Saturday, September 6, 2014

 

Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm

Nguyễn Kỳ Phong

Chiến tranh Việt Nam có nhiều trận đánh khốc liệt; khốc liệt trong ý nghĩa về cường độ của hoả lực, cấp số quân tham dự, và số thương vong đôi bên. Những trận đánh thường được nhắc đến trong quân sử như trận tử thủ An Lộc, tháng 6-1972; trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, tháng 9-1972; hai cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, Toàn Thắng 42 và Toàn Thắng 1/71, tháng 5-1970 và thaùng 1-1971; trận Ðồi 1062 ở Thường Ðức, Quảng Nam... Nhưng nổi bật hơn hết là cuộc hành quân tấn công vào những căn cứ hậu cần của cộng sản Việt Nam (CSVN) ở Hạ Lào vào tháng 2 năm 1971. So với các trận đánh vừa được kể tên, hành quân Lam Sơn 719 (HQLS719) lớn và khốc liệt hơn về mọi mặt.

Ngoài sự thương vong cao của đôi bên, HQLS719 còn được nói đến như một cuộc hành quân có nhiều khuyết điểm — khuyết điểm từ lúc soạn thảo cho đến khi thực hiện. HQLS719 còn được nhắc lại trong sự nghi ngờ đó là kế hoạch hành quân đã bị bại lộ từ lúc soạn thảo, nhưng cuộc hành quân vẫn được tiếp tục để đưa đạo quân Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đi vào tử lộ. Bài viết này sơ lược lại nguồn gốc và khiếm khuyết của cuộc hành quân, dựa vào một số tài liệu được giải mật trong thời gian gần đây.

Tình hình tổng quát của VNCH vào cuối năm 1970

Trước khi nói về quyết định đưa đến HQLS719, chúng ta nhìn sơ qua tình hình chính trị và quân sự của VNCH trong năm 1970, và tình hình tổng quát của lực lượng CSVN ở Hạ Lào.

Năm 1970 là năm thành công nhất của VNCH từ sau khi chiến tranh bùng nổ mạnh vào cuối năm 1964. Chương trình Việt Nam hoá — Hoa Kỳ trao cuộc chiến lại cho Quân lực VNCH (QLVNCH) — đã tiến hành được hơn một năm, và sự thành công của QLVNCH trên mọi chiến trường được chứng tỏ khi CSVN cho lưu hành Quyết nghị 9 vào tháng 6-1969. [1] Quyết nghị 9 chỉ thị các bộ tư lệnh CSVN ở chiến trường B (chiến trường trong lãnh thổ VNCH, để phân biệt với chiến trường ở Lào và Cam Bốt), tránh đụng trận nếu có thể được; trở về chiến thuật du kích chiến để bảo vệ quân số; và chỉ nên đương đầu với VNCH trên mặt trận chính trị hơn là ngoài chiến trường. Song song với thành công về quân sự, những chương trình bình định nông thôn đã phá hủy hạ tầng cơ sở của CSVN, đem lại sự an ninh cho xã ấp ở miền Nam. Sự trù phú và số lúa gạo sản xuất trong năm 1969 và 1970 cho thấy sự thành công của chính phủ VNCH về mặt an ninh nội an và trong kế hoạch bình định, xây dựng nông thôn. [2]

Trung tuần tháng 3-1970, với sự hợp tác của tân chính phủ Lon Nol, QLVNCH và Hoa Kỳ tấn công và các căn cứ hậu cần CSVN ở bên trong lãnh thổ Cam Bốt. Cuộc hành quân Toàn Thắng 42 do các đơn vị ở quân đoàn III và IV, hai sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến và Nhảy dù VNCH, và một số đơn vị Thiết kỵ và Không kỵ Hoa Kỳ thực hiện. Hành quân Toàn Thắng 42 đem lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của Bộ Tổng Tham mưu VNCH và Bộ Tư lệnh MACV: số vũ khí và quân nhu dụng tịch thu được từ căn cứ hậu cần cộng sản đủ để trang bị cho 54 tiểu đoàn chánh qui; gạo tịch thu được đủ nuôi 50 ngàn quân của B-2 từ bốn đến sáu tháng (7.000 tấn gạo). Thiệt hại nhân sự của QLVNCH là 638 chết; 3009 bị thương. Phía Hoa Kỳ, 338 chết; 1525 bị thương. Thiệt hại CSVN là hơn 11.300 tử thương; 2.300 tù binh. [3] Thiệt hại của phía đồng minh tương đối nhỏ so với kết quả thu được.

Chiến thắng dể dàng [4] ở Cam Bốt đưa đến sự hăm hở cho Bộ Tổng Tham mưu VNCH, Bộ Tư lệnh MACV và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (trên nguyên tắc đây là bộ tư lệnh nằm trên đầu MACV). Sau khi hành quân Toàn Thắng 42 kết thúc vào tháng 8-1970, [5] dự kiến của đồng minh là, nếu số dự trữ của CSVN ở Cam Bốt nhiều như vậy thì các căn cứ tiếp liệu hậu cần nằm trên đường xâm nhập Hồ Chí Minh ở Hạ Lào phải chứa nhiều hơn. Ðầu tháng 11-1970 đô đốc John McCain của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu đại tướng Creighton Abrams của Bộ Tư lệnh MACV điều nghiên một kế hoạch hành quân qua Hạ Lào để cắt đứt đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Không giống như cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, đô đốc McCain thông báo, kế hoạch đánh qua Lào có một giới hạn: Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về không vận và không lực. QLVNCH là lực lượng đánh vào mục tiêu; cố vấn Mỹ của các đơn vị VNCH không được tháp tùng với đơn vị qua bên kia biên giới với bất cứ lý do gì. [6] Ðầu tháng 12-1970, Bộ Tư lệnh MACV loan báo và thăm dò ý kiến Bộ Tổng Tham mưu VNCH về một kế hoạch đánh qua Hạ Lào.

Lào và đường xâm nhập Hồ Chí Minh

Vương Quốc Lào. Ðầu năm 1971, khi VNCH chuẩn bị tấn công vào những căn cứ hậu cần trên lãnh thổ Lào, thì Hoa Kỳ đã tham dự và điều khiển một chiến tranh “bí mật” ở vương quốc đó hơn bảy năm. Ở Thượng Lào, nhân viên CIA Mỹ điều khiển một đạo quân hơn 20 ngàn người của tướng Vang Pao, giao chiến thường xuyên với hai sư đoàn quân CSVN và Pathet Lào. Ở Hạ Lào, Lực lượng Ðặc biệt VNCH và Hoa Kỳ, từ năm 1964, đã xâm nhập vào nhiều địa điểm từ Ðèo Mụ Già xuống đến bình nguyên Bolovens để đánh dấu tọa độ cho những chiến dịch dội bom chiến lược bằng B-52. Gọi là “chiến tranh bí mật” vì Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không thông báo cho Quốc hội biết về những ngân khoản quân sự chi tiêu ở Lào; và CSVN — dù bị dội bom thường xuyên — cũng không lên tiếng, vì họ luôn luôn tuyên bố họ không có quân hay căn cứ trên đất Lào. Chính phủ Hoàng gia Lào cũng không có chọn lựa nào khác hơn là yên lặng: họ hy vọng vào Hoa Kỳ để đẩy lui sự xâm lấn của CSVN. Trong sự phủ nhận của tất cả can sự, cuộc chiến tiếp tục xảy ra trong vòng “bí mật.” [7]

Ðường xâm nhập Hồ Chí Minh. Lực lượng CSVN/ Việt cộng ở miền Nam không thể tiếp tục chiến đấu hơn một năm nếu không nhận được tiếp liệu từ bên ngoài. Ðiều này đúng hơn khi các đơn vị cộng sản mở những cuộc tấn công với cấp số tiểu đoàn, trung đoàn trở lên. [8] Ðể nuôi sống ý định xâm chiếm miền Nam bằng võ lực, tháng 5-1959 CSVN thiết lập Ðoàn 559 để chuyển người và vũ khí vào nam. Nhiệm vụ của Ðoàn 559 là xây dựng và duy trì một hệ thống đường xâm nhập trên đất Lào, chạy dài từ đèo Mụ Già (rồi sau đó từ những con đèo băng qua biên giới ở Quảng Bình và Vĩnh Linh) xuống đến những tỉnh ở miền đông bắc Cam Bốt (khoảng Katum, Bù Gia Mập, phía VNCH). Từ năm 1959 đến năm 1965, phương tiện vận tải trên đường xâm nhập Hồ Chi Minh (ĐHCM) là sức người, xe đạp thồ, voi, hay trâu bò. Nhưng vào mùa khô năm 1965 (mùa khô ở Hạ Lào bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài đến cuối tháng 4), CSVN quyết định cơ giới hoá phương tiện vận chuyển — dùng xe để chuyên chở. Dùng xe thì phải làm đường, và hệ thống đường vận tải của CSVN bung ra mọi nơi trên đất Lào. Năm 1971, khi QLVNCH soạn thảo kế hoạch đánh vào những căn cứ hậu cần trên con đường chiến lược đó, ĐHCM không còn là một “con đường” nữa, mà là một hệ thống đường ngang, đường dọc, chằng chịt trên đất Lào. Tài liệu của CSVN nói hệ thống ĐHCM có tất cả là 17.000 cây số. Ðó là con số phóng đại. Nhưng sự ước lượng đến từ VNCH và Hoa Kỳ thì tổng cộng hệ thống ĐHCM có không dưới 10.000 cây số. Một chi tiết mà hai phía đều công nhận: hệ thống ĐHCM gồm có sáu đường dọc (chạy từ bắc xuống nam); 21 đường ngang (từ tây sang đông, dẫn từ lãnh thổ Lào vào biên giới VNCH); và một số đường vòng không kể hết (đường vòng là đường dùng để trốn bom, hay chạy vòng ngang một trục lộ chánh đang bị bom phá hủy). Năm 1970 cũng là năm CSVN hoàn tất hệ thống ống dẫn dầu từ Quảng Bình qua đèo Mụ Già, vòng qua phía tây Tchepone và xuôi nam, đi vào thung lũng A Shau. Hệ thống ống dầu không lớn (ống có đường kính 20 phân), nhưng đủ để cung cấp nhiên liệu cho hơn 60 tiểu đoàn xe vận tải và hai trung đoàn xe tăng đóng ở Trung và Hạ Lào. [9]

Với cây số của hệ thống đường gia tăng, nhân lực và quân lực cần có để bảo vệ ĐHCM phải gia tăng. Ðoàn 559 lúc thành hình có cấp số tiểu đoàn với không hơn 400 người, năm 1970 được nâng lên cấp số binh đoàn với 63.000 quân, và 12.000 dân công tạp dịch. Từ một trạm giao liên dẫn đường duy nhất ở Khe Gió, bây giờ ĐHCM có 67 trạm giao liên đường bộ và đường thủy, và 30 binh trạm. Mỗi binh trạm có cấp số tương đương một trung đoàn. Năm 1969 ĐHCM chuyển vận được 78.000 tấn; và năm 1970, 74.000 tấn quân nhu dụng. Hệ thống phòng không bảo vệ những trục đường quan trọng gia tăng theo tỉ lệ số lượng hàng chuyển vận. Năm 1965 lực lượng phòng không trên ĐHCM có khoảng 190 súng phòng không; năm 1970 hoả lực phòng không bảo vệ đường có hơn 970 súng phòng không. Khẩu độ súng phòng không gồm đủ loại: từ loại 12.7 ly để chống trực thăng, đến 85 ly có tầm sát hại trên cao độ của vận tải cơ võ trang AC-130. Ðôi khi đại bác phòng không 100 ly được sử dụng để hăm dọa những phi tuần B-52. Nhiều hơn hết là loại 23 ly và 37 ly điều khiển bằng ra-đa, một vũ khí đáng sợ cho tất cả những phi cơ hoạt động dưới 10.000 bộ (bốn cây số). [10]

Hoa Kỳ và VNCH không phải không biết về sự bành trướng của ĐHCM. Từ năm 1964 VNCH và Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều kế hoạch để ngăn chặn hay giới hạn lưu lượng xâm nhập trên ĐHCM. Nhưng Hạ Lào, với địa hình hiểm trở, rừng già che phủ mặt đất, và núi đồi “trùng trùng điệp điệp,” mọi kế hoạch đánh phá, ngăn chặn đã không đem lại kết quả như mong muốn. Trước khi những toán Lực lượng Ðặc biệt MACV-SOG hỗn hơïp Việt-Mỹ xâm nhập vào Hạ Lào để viễn thám, Lực lượng Đặc biệt VNCH đã đưa năm toán vào Hạ Lào trong hai tháng 4 và tháng 6 năm 1964 để thám thính. Tuy nhiên trong số 30 nhân viên của năm toán, chỉ có năm người trở về được, hai mươi lăm người kia chết hoặc mất tích. [11] Những Lực lượng Đặc biệt trở về báo cáo cho biết cán binh cộng sản dầy đặc ở Hạ Lào. Về phía Hoa Kỳ, ngoài những toán Lực lượng Đặc biệt được đưa vào thám thính những mục tiêu trên ĐHCM thường xuyên, từ năm 1968 Bộ Tư lệnh MACV đã thực hiện những chiến dịch dội bom chiến lược hàng ngày trên những của khẩu xâm nhập vào Hạ Lào. Chiến dịch dội bom Commando Hunt chỉ giới hạn vào bốn trọng điểm xâm nhập vào Hạ Lào: Ðèo Mụ Già, Bản Karai, Bản Ravin, và một cửa khẩu trên đầu của giao điểm Sông Rào Quảng và biên giới Lào (hướng tây bắc Khe Sanh). [12] Một ngày ba lần, mỗi trọng điểm bị ba phi tuần của chín pháo đài bay B-52 đội bom. Một B-52 thông thường chở 105 quả bom 500 cân. Khoảng giữa của những phi vụ B-52 là 125-150 phi vụ chiến thuật rải bom CBU nổ chậm, để ngăn chặn dân công sửa những đoạn đường vừa bị phá. Không quân Hoa Kỳ thực hiện những chiến dịch dội bom như vậy từ tháng 11-1968 cho đến tuần lễ cuối cùng của tháng 1-1971, trước khi QLVNCH chuẩn bị băng qua biên giới. [13]

Sự khai sinh của hành quân Lam Sơn 719

Henry A. Kissinger trong hồi ký White House Years, nói về nguồn gốc đưa đến kế hoạch HQLS719 như sau, “Sự thành công thì có nhiều người cha. Nhưng thất bại là đứa con không người nhận.” [14] Ý ông Cố vấn An ninh Quốc gia muốn nói là, không ai trong chính phủ Nixon nhận là cha đẻ của kế hoạch HQLS719. Thật sự chúng ta không có nhiều tài liệu khẳng định ai tác giả “vẽ” ra kế hoạch. Nhưng nhiều tài liệu cho thấy Kissinger có tham dự và đốc thúc việc thực hiện HQLS719. Tài liệu rõ ràng nhất đến từ hồi ký của H. R. Haldeman, tham mưu trưởng Toà Bạch ốc, khi Kissinger nói với Haldeman là ông muốn nói chuyện với tổng trưởng quốc phòng Melvin Lair và đô đốc Thomas Moorer (Tham mưu Trưởng Ban Tham mưu Liên quân), trước mặt Tổng thống Richard Nixon, về kế hoạch HQLS719. Lý do là Kissinger muốn thấy Nixon trực tiếp ra lệnh cho hai người thi hành kế hoạch. Một tài liệu khác đến từ đại tướng Alexander Haig, phụ tá quân sự cho Kissinger lúc đương thời. Trong hồi ký Inner Circles, tướng Haig nói Ban Tham mưu Liên quân soạn kế hoạch HQLS719 qua sự thúc giục của Nixon và Kissinger. [15] Có thể là như vậy. Nhưng tài liệu cho thấy chính tướng Haig là người đích thân đem huấn lệnh của tổng Thống Nixon qua Sài Gòn ngày 13 tháng 12-1970, để thông báo cho MACV về kế hoạch đánh qua biên giới. [16]

Ai là tác giả kế hoạch HQLS719 có thể không quan trọng. Quan trọng hơn là vì lý do nào kế hoạch này được đề nghị với thẩm quyền. Sách vở và tài liệu cho thấy lý do chính trị và quân sự thúc đẩy sự thành hình của HQLS719 — lý do chính trị và quân sự của năm 1970-71.

Lý do chính trị. Kissinger — và cũng có thể Nixon — có một thúc đẩy chính trị khi đề nghị hay thúc đẩy kế hoạch HQLS719. Kissinger không nói ra điều này trong hồi ký. Dĩ nhiên ông sẽ không bao giờ nói ra những ẩn ý chính trị của một kế hoạch. Công chúng chỉ biết được điều này nhờ vào hồ sơ được giải mật sau này. Năm 2002 Trung tâm Lưu trữ Văn khố Quốc gia cho giải mật một văn thư của Kissinger liên hệ đến HQLS719. Trong văn thư, Kissinger giải thích sự cần thiết của HQLS719 đối với bối cảnh chính trị Mỹ cho hai năm 1971-72. Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Nixon cần được sự ủng hộ tuyệt để của cử tri. Ðể đền bù lại lời Nixon đã hứa với cử tri trong nhiệm kỳ thứ nhất, là ông sẽ kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam trong trong vòng một năm sau khi nhiệm chức, lần ứng cử nhiệm kỳ hai, Nixon phải cho cử tri thấy cuộc chiến Việt Nam khả quan, nếu không nói là đồng minh đang thắng thế. Một cuộc tấn công qua Lào vào năm 1971 sẽ gây nhiều thiệt hại cho CSVN. Và nếu CSVN khôi phục lại sức lực để đe dọa tình hình an ninh cho VNCH, thì ít nhất họ cũng cần đến hơn một năm — nghĩa là sau khi cuộc bầu cử 1972 hoàn tất. [17] Kissinger hy vọng như vậy. Hơn nữa, từ tháng 8-1969 Hoa Kỳ đã lần lược rút quân theo kế hoạch — một tiến triển làm vừa lòng giới phản chiến — nếu cuộc tấn công qua Lào có kết quả như dự đoán, thì chương trình rút quân và chương trình Việt Nam hóa sẽ thành công theo ý muốn. Ðó là mưu lược chính trị của Kissinger trong tương quan của HQLS719 và mùa bầu cử 1972.

Lý do quân sự. Lý do quân sự cho kế hoạch HQLS719 thì quá rõ; không ai phủ nhận được — ngay cả phía CSVN. Sự thành công mỹ mãn trong lần đánh qua Cam Bốt. Quân lực CSVN gần như kiệt quệ. Nghị quyết 9 và những đợt rút quân về Bắc vì không còn đủ lương thực để nuôi quân... Tất cả những yếu tố đó thúc đẩy các tư lệnh Việt - Mỹ đi đến quyết định: đây là thời điểm tốt nhất để tấn công các căn cứ hậu cần của CSVN ở Lào; cắt đứt đường tiếp tế vào nam của cộng sản. Một yếu tố khác làm cho giới lãnh đạo Việt - Mỹ phải quyết định nhanh hơn: Cuối năm 1970 quân lực Mỹ còn 334 ngàn quân ở Việt Nam, với đầy đủ tiếp liệu và hoả lực. Nếu đánh là phải đánh ngay, nếu chần chờ, hoả lực yểm trợ của Hoa Kỳ sẽ mất dần theo đà rút quân trong những năm kế tiếp.

Với thực tế quân sự khả quan — để phục vụ cho một tương lai chính trị — Toà Bạch ốc ra lệnh cho Ban Tham mưu Liên Quân sơ thảo dự án cho HQLS719. Ðầu tháng 11-1970, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu Bộ Tư lệnh MACV phát hoạ kế hoạch hành quân qua Hạ Lào. Mục tiêu chính là Tchepone; và tất cả các căn cứ hậu cần nằm từ hươùng đông nam Tchepone xuống tận A Shau.

Khái niệm “Hành quân” của HQLS719

HQLS719 có cấp số quân đoàn, với một lực lượng tương đương ba sư đoàn tham dự. Cuộc hành quân có bốn giai đoạn. Giai đoạn I, có tên Dewey Canyon II, do các lực lượng Hoa Kỳ phụ trách. [18] Mục tiêu của giai đoạn I là giải toả quốc lộ 9 từ Ðông Hà đến biên giới Việt-Lào ở Lao Bảo; tái chiến căn cứ Khe Sanh để thiết lập Bộ Chỉ huy Tiền phương của HQLS719; và, tái thiết phi trường Khe Sanh làm điểm chuyển vận chánh. Giai Ðoạn II. Các lực lượng VNCH, dùng quốc lộ 9 làm hướng tiến quân, đánh chiếm Bản Ðông, một vị trí quan trọng nằm trên đường 9, cách biên giới chừng 12 cây số. Giai đoạn III: Sau khi củng cố lực lượng, quân Nhảy dù sẽ được trực thăng vận từ Bản Ðông đổ bộ vào chiếm Tchepone, khoảng 42 cây số từ Lao Bảo. Trong lúc đó lực lượng thiết kỵ vẫn tiến đánh dọc theo đường 9 để bắt tay với cánh quân ở Tchepone sau. Giai đoạn IV: Sau khi chiếm Tchepone và phá hủy căn cứ hậu cần ở đó, các đơn vị VNCH sẽ quay về hướng đông nam, tiếp tục lục soát và phá hủy căn cứ tiếp vận ở Aloui (Aluoi) Ta Bat, A Shau, trên đường trở về biên giới. Cuộc hành quân sẽ kéo dài ba tháng, khởi diễn sau Tết Tân Hợi (tháng 27 tháng 1-1971 là ngày Tết) cho đến đầu tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu ở Hạ Lào.

Khái niệm “hành quân” được Bộ Tổng Tham mưu và MACV chấp nhận và truyền đạt xuống Quân đoàn I (QÐI) và Bộ Tư lệnh Quân đoàn XXIV (QÐXXIV). [19] Tuy nhiên trong thời gian QÐI và QÐXXIV bổ túc thêm những chi tiết phụ cho cuộc hành quân, Hoa Thịnh Ðốn vẫn chưa quyết định chắc chắn là HQLS719 sẽ được thực hiện hay không.

Những khiếm khuyết của hành quân Lam Sơn 719

Ở phần trên chúng ta thấy hoàn cảnh đưa đến quyết định thực hiện HQLS719 — hai ít ra là soạn thảo sự khả thi của kế hoạch. Phần này chúng ta nói về những khuyết điểm của HQLS719.

Khuyết điểm trong lúc soạn thảo

a. Sau khi Toà Bạch ốc và BTMLQHK đồng ý kế hoạch HQLS719, ngày 6 tháng 11-1970 Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu MACV soạn thảo kế hoạch. [20] Hôm sau, 7 tháng 11, Đại sứ Bunker và Đại tướng Abrams hội kiến 80 phút với Tổng thống Thiệu, trình bài những kế hoạch tấn công qua biên giới. Tổng thống Thiệu đồng ý trên căn bản ba kế hoạch đánh qua biên giới, và cho phép thực hiện ngay những kế hoạch có thể thực hiện được. [21] Ngày 11 tháng 1-1971 Tổng trưởng Quốc phòng Melvin Lair và TMT BTMLQHK, đô đốc Thomas Moorer, đến Sài Gòn và có hội kiến với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về kế hoạch HQLS719. Một lần nữa Tổng thống Thiệu tái xác định sự ủng hộ của VNCH. Vấn đề còn lại là sự ủng hộ của Vương quốc Lào. Nhưng cho đến ngày 21 tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và VNCH vẫn chưa biết Hoàng thân Souvana Phouma của Lào có cho phép QLVNCH đem quân vào Hạ Lào hay không. Thêm vào đó, chính Tổng trưởng Ngoại giao William Rogers cũng không đồng ý kế hoạch HQLS719. Roger phản đối vì ông nghĩ đánh vào Tchepone là một kế hoạch nguy hiểm: Thành công thì không sao, nhưng nếu thất bại thì kế hoạch Việt Nam hoá của Hoa Kỳ sẽ mang tiếng xấu. Ngày 22 tháng 1, Souvana Phouma chỉ đồng ý cho QLVNCH đánh vào khu vực ở phía cực bắc vùng ba biên giới (Lào-Cam Bốt-Việt Nam, cực tây của Khâm Ðức). [22]

b. Với sự thuyết phục của Tổng Thống Nixon, Ngoại trưởng Rogers lưỡng lự đồng ý. Sau đó Rogers ra lệnh cho Đại sứ McMurtrie Godley ở Vạn Tượng cố vấn cho Souvana Phouma lên tiếng về HQLS719. Phouma lên tiếng phản đối trước dư luận — sự phản đối có tính toán bên trong. Ðầu tiên ông lên tiếng phản đối bất cứ sự xâm phạm nào của VNCH vào lãnh thổ Lào. Rồi sau đó ông chỉ trích sự hiện diện của CSVN trên đất Lào, nói tất cả là lỗi của họ. Và cuối cùng, ông hy vọng QLVNCH sẽ... rời khỏi lãnh thổ Lào trong một, hai tuần (ý nói là hành quân càng ngắn càng tốt).

c. Nhưng khi thấy nhiều xung đột và bất đồng nhất từ cấp trên thẩm quyền dân sự (Bộ Quốc phòng vs Bộ Ngoại giao; Lair vs Rogers; Bộ Ngoại giao vs Nixon...) ngày 27 tháng 1 Đại tướng Abrams gởi điện văn cho TTMTLQ Thomas Moorer, nói ông sẽ hủy bỏ kế hoạch HQLS719, và sẽ chính thức loan báo với các bộ tư lệnh liên hệ vào ngày 29. Nhưng ngay ngày 27, Nixon họp với ban tham mưu và ra lệnh cho thực thực hiện Giai đoạn I của HQLS719 (QLHK tái chiếm Khe Sanh). Giai đoạn II sẽ quyết định sau, nhưng lệnh thực hiện hay hủy bỏ phải đến từ Hoa Thịnh Ðốn. [23] Ngày 29 tháng 1, Nixon ra lệnh MACV phối hợp và yểm trợ cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71 đánh trở lại Cam Bốt với khoảng 19 ngàn quân VNCH tham dự. Nhưng quyết định tối hậu về HQLS719 vẫn chưa được thẩm quyền cao nhất quyết định. Sau cùng, ngày 4 tháng 2-1971, được lệnh của Nixon, đô đốc Moorer cho lệnh tiến hành Giai đoạn II. Và HQLS719 khởi hành.

Qua ba chi tiết a, b, và c trên, chúng ta thấy kế hoạch hành quân được đề nghị và soạn thảo trong sự e dè, thiếu nghị quyết, vì quá phụ thuộc vào quyết định chính trị. Kế hoạch có thể bị bại lộ từ sự thiếu quyết định này. Sự qua lại Sài Gòn của các thẩm quyền Mỹ không thể không làm cho giới lãnh đạo CSVN nghi ngờ. Càng nghi ngờ hơn khi ngày 15 tháng 12-1970, hoàng thân Phouma đã tuyên bố ở Vạn Tượng, là Lào không muốn VNCH có mặt ở Lào! Không cần suy luận nhiều, CSVN biết phải có chuyện gì Phouma mới tuyên bố như vậy. Sự thương lượng qua lại giữa Mỹ và Phouma có thể bị lộ, vì theo các nhân viên ngoại giao Mỹ, hệ thống bảo mật của chính phủ Hoàng gia Lào có nhiều lỗ thủng hơn cái... rổ!

Thêm vào lời tuyên bố của Phouma, ba sự kiện khác xảy ra trước đó càng làm cho CSVN khẳng định về ý định của VNCH và Hoa Kỳ — hay ít ra làm cho họ chuẩn bị phòng thủ. Sau cuộc tấn công ở Cam Bốt, tháng 9-1970 Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ đổ bộ thẳng vào Ban Bak (Bản Bạc) phá hủy binh trạm 37. Hai tháng sau, 11-1970, Hoa Kỳ nhảy thẳng ra Sơn Tây, moät vị trí cách Hà Nội không hơn 50 cây số. Rồi ngày 15 tháng 1-1971 VNCH dùng 19 ngàn quân đánh trở lại Cam Bốt. Với những cuộc tấn công dồn dập như vậy, CSVN phải nghĩ Hạ Lào sẽ là mục tiêu sắp tới. [24]

Nhiều lời đồn cho rằng CSVN đã biết được kế hoạch HQLS719 từ những điệp viên của họ có mặt ở Sài Gòn. [25] Nhưng với địa hình của vùng hành quân và trục lộ tiến quân, địch không thể nào không suy đoán được kế hoạch của chúng ta. Kế hoạch bị bại lộ không phải do sự tài tình của đối phương mà do sự trục trặc, thiếu phối hợp giữa VNCH và Hoa Kỳ. Sự thiếu phối hợp này vô tình “thông báo” kế hoạch HQLS719 cho đối phương. Trong khi Hoa Thịnh Ðốn, BTTM VNCH và MACV đồng ý sẽ giữ kín tin tức ít nhất cho đến ngày 4 tháng 2-1971 (trong nguyên thủy, ngày 4 tháng 2 là ngày chánh thức khởi đầu sự hành quân) trước khi tuyên bố ra công cộng. Nhưng ngày 25 tháng 1, nhiều sĩ quan cấp nhỏ ở Quân đoàn I đã được thông báo ngày giờ hành và kế hoạch hành quân rồi. Một trường hợp khác, ngày 22 tháng 1, chính Trung Tướng James Sutherland, tư lệnh QÐXXIV, chứng kiến trung tướng Hoàng Xuân Lãm bàn về kế hoạch HQLS719 với chuẩn tướng Phạm Văn Phú và một số sĩ quan khác, trong khi họ đứng chờ máy bay ngoài phòng khách ở phi trường. [26] Một trường hợp khác: Ngày 15 tháng 1, sau khi Bộ Tổng Tham mưu hoàn thảo kế hoạch HQLS719, chuẩn tướng Trần Ðình Thọ và Thiếu Tướng Donald Cowles của MACV bay ra Ðà Nẵng để thuyết trình cho tướng Lãm và Sutherland khái niệm hành quân. Ðể bảo mật nên số sĩ quan được mời tham dự rất giới hạn. Sau buổi thuyết trình, khi ra khỏi phòng chuẩn tướng Thọ gặp đại tá Cao Khắc Nhật, đại tá Nhật hỏi, “Tại sao không cho tôi tham dự buổi thuyết trình? Tôi đã hoàn tất soạn thảo kế hoạch hành quân [ở cấp quân đoàn]?” [27]

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm

Nguyễn Kỳ Phong

Ngày 31 tháng 1, nhật báo The New York Times đang tải một nguồn tin — trong đó có đoạn trích từ nhật báo London Observer — về kế hoạch HQLS719. Hai ngày sau, hãng thông tấn CBS News loan tải nguồn tin. Tin tức từ đài CSB khá chính xác về mục tiêu hành quân và quân số tham dự. Tin còn loan báo luôn ngày Tổng thống Nixon cho phép tiến hành kế hoạch hành quân. Như vậy, không những CSVN biết được kế hoạch, mà cả thế giới cũng biết luôn. [28]

Qua sự thiếu phối hợp trên, chúng ta nghĩ đối phương có thể suy luận ra kế hoạch HQLS719. Tin tức tình báo của VNCH và MACV xác định điều này, khi MACV “đọc” được những điện tín qua lại giữa các binh trạm và bộ tư lệnh Binh đoàn 559. Những điện tín cho ta biết CSVN đã thành lập một bộ tư lệnh có tên là 70B cho mặt trận “Ðường 9 - Nam Lào.” Quân lệnh chỉ thị các binh trạm 9, 27, 33, 34 chuẩn bị phòng thủ ngăn chặn cuộc tiến quân của QLVNCH. [29] Cũng từ những điện tín đó, MACV biết rõ số quân CSVN dự bị cho cuộc hành quân.

Khuyết điểm trong cuộc hành quân

Với tất cả những tài liệu về HQLS719 được giải mật trong những năm vừa qua, sau khi tham khảo, đa số các tác gia về quân sự đồng ý về một số khiếm khuyết quan trọng của HQLS719: (a) QLVNCH không đủ quân để đè bẹp áp lực của quân CSVN trong vùng hành quân; (b) hoả lực và không vận của QÐXXIV không đủ để yểm trợ cho lực lượng hành quân; (c) hệ thống quân giai của Hoa Kỳ và VNCH không được xác định rõ ràng và thi hành triệt để trong suốt cuộc hành quân, làm cho những quân lệnh không được thực hiện; và, (d) tin tức tình báo sai lạc đưa đến nhiều trở ngại cho vấn đề tiếp liệu, hoả lực dự trù, và sự thay đổi bất thần, giữa đường, của kế hoạch.

a. Tháng 3-1967 ở hội nghị thượng đỉnh Guam, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên đề nghị với Tổng thống Lyndon Johnson một kế hoạch đánh qua Hạ Lào để cắt đường tiếp tế CSVN vào nam. Tổng thống Johnson không trả lời ngay lúc đó, nhưng cuối năm 1967, Đại tướng William Westmoreland ra lệnh cho ban tham mưu MACV soạn thảo một kế hoạch hành quân tương tự như HQLS719. Theo lời một đại tá phụ trách soạn thaûo Hành Quân OPLAN EL Paso, khái niệm hành quân cần ba sư đoàn Việt-Mỹ, tương đương 60 ngàn quân: một sư đoàn không kỵ và một sư đoàn bộ binh (Mỹ); và một sư đoàn Nhảy dù VNCH. Lực lượng tiếp liệu và yểm trợ cho đạo quân đó phải có khả năng yểm trợ cho cấp quân đoàn. Khái niệm hành quân đặt nặng vấn đề tiếp liệu bằng không vận, vì nhu cầu của lực lượng tại mặt trận cần ít nhất là 2.975 tấn quân nhu dụng một ngày. [30]

Kissinger trong hồi ký có nói khi ông hỏi Đại tướng Westmoreland về sự khả thi của HQLS719, Westmoreland nói cuộc hành quân cần ít nhất là bốn sư đoàn cộng để tấn công vào Tchepone. Và phải tấn công chớp nhoáng bằng trực thăng vận chứ không thể đánh đường bộ chậm chạp như đang thực hiện. [31] Qua những chi tiết trên, chúng ta thấy ba sư đoàn VNCH quá ít để áp đảo lực lượng đối phương trong những ngày đầu — khi quân CSVN chưa huy động tất cả lực lượng trừ bị của họ. Ở cao điểm của HQLS719, VNCH có 30.746 quân ở chiến trường Lào, gồm 16 tiểu đoàn tác chiến và 12 tiểu đoàn pháo binh. Trong khi đó, tại vùng hành quân, BTL 70B của CSVB có hơn 60 ngàn quân. [32]

Như tất cả học viên quân sự đều thuộc nằm lòng, khi tấn công thì quân tấn công cần tỉ số ba trên một nếu muốn thành công. Trong HQLS719 quân tấn công chỉ bằng phân nữa quân phòng thủ, mà lại tấn công vào một địa hình do đối phương hoàn toàn làm chuû.

b. Yểm trợ và tiếp liệu cho cuộc hành quân đến từ QÐXXIV Hoa Kỳ. Quân đoàn XXIV được thành lập từ tháng 8-1968, và thay thế Quân đoàn III TQLC ở Vùng I VNCH. Sau Giai đoạn I của cuộc hành quân (bảo vệ đường 9 từ Ðông Hà đến Lao Bảo và tái chiếm phi trường Khe Sanh), vai trò của QÐXXIV được đặt nặng vào tiếp tế không vận và yểm trợ bằng không pháo (aerial artillery/ pháo binh của trực thăng võ trang) — và sự sống còn của các lực lượng ở chiến trường tùy thuộc vào sự hữu hiệu của hai khả năng này. Theo những tài liệu đến từ MACV, QÐXXXIV không đủ khả năng để yểm trợ cho cuộc hành quân, về hoả lực cũng như về không vận.

Tài liệu giải mật từ MACV cho thấy QÐXXIV có gần 600 trực thăng để phục vụ cho HQLS719. [33] Nhưng khả năng hoạt động của số trực thăng bị giới hạn vì hoả lực, thời tiết và bảo trì — những yếu tố mà hai tuần vào cuộc hành quân, MACV và QÐXXIV mới nhận ra. Chỉ nói về phương diện tiếp tế lương thực thôi, đạo quân 30 ngàn người ở chiến trường cần 150 phi vụ trực thăng một ngày để thỏa mãn — và đây chỉ là nhu cầu tối thiểu với một ký thực phẩm và bốn lít nước cho mỗi người. [34] Qua tài liệu, chúng ta thấy những căn cứ hoả lực rất cần nước. Tác giả đại úy pháo binh Trương Duy Hy nói về những cảnh giành giựt nước tiếp tế trên đồi 30: thiếu nước uống, thiếu nước để lau chùi nòng súng pháo binh.. Tiểu đoàn 2 Nhảy dù trước khi di tản khỏi căn cứ hoả lực 30, đánh một điện tín lên trời, yêu cầu phi cơ liên lạc thông báo với tư lệnh sư đoàn Nhảy dù về tình trạng tiếp tế nguy ngập của tiểu đoàn. “Bị bao vây đã 10 ngày, có 200 thương vong, không có tiếp tế... không nước và lương thực hai ngày qua. Cần tiếp tế lập tức khi trời sáng.” [35]

Ðến ngày 24 tháng 2 BTL MACV bùng nổ vì vấn đề thiếu trực thăng: Ðại tướng Abrams điên lên vì sự quản trị — hay thiếu quản trị — nhu cầu không vận của BTL QÐXXIV. Sĩ quan dưới quyền của tướng Sutherland báo cáo về MACV là mặc dù tình hình trực thăng nguy ngập, nhưng trung tướng Sutherland vẫn không có một phản ứng nào thích hợp để giải quyết. Trong một trang giải mật của tác phẩm The Abrams Tapes, chúng ta đọc được những tiếng chửi thề của tư lệnh và tư lệnh phó MACV về sự quản trị và điều khiển nhu cầu cung ứng trực thăng cho mặt trận Hạ Lào. Chưa hả giận, tướng Abrams bay ra BTL QÐ XXIV để thị sát và... chửi thề tiếp. [36] Cũng biết thêm, Không quân Hoa Kỳ đã làm tất cả những gì họ có thể làm được để chuyển quân nhu dụng ra Ðông Hà và Khe Sanh. Từ Ðông Hà hàng có thể di chuyển bằng quân xa về Khe Sanh. Nhưng từ từ Khe Sanh ra vùng giao chiến thì chỉ trông chờ vào trực thăng. Sau ba ngày hành quân, ngày 11 tháng 2, Đại tướng Lucius Clay, tư lệnh Không lực 7 than thở trong buổi họp ở MACV: “Ngoài những phi vụ yểm trợ cho cuộc hành quân này [HQLS719] tôi bay 12.000 phi vụ yểm trợ một tháng. Tôi bay 21.000 phi vụ chuyên chở. Tôi bay 850-900 phi vụ thám thính. Ý tôi muốn nói là vấn đề bảo trì... chúng ta chỉ có thể bay đến một giới hạn nào đó thôi.” Tướng Abrams cũng không thể phủ nhận là khả năng không vận và không lực của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thời điểm đó đã đến mức tối đa. Chính tướng Abrams cũng thốt lên ý nghĩ đó vào ngày 27 tháng 2 — hai ngày sau khi đồi 31 của Lữ đoàn 3 Nhảy dù thất thủ: “Chúng ta đang ngập đầu với gánh nặng, ở Cam Bốt cũng như ở Lào.” Ở mặt trận Cam Bốt, ngày 23 vừa qua tướng Trí vừa tử nạn trực thăng. Và đến ngày 27, MACV báo cáo quân lực VNCH có 21.000 quân tại mặt trận Cam Bốt. Ðó là lý do tại sao Hoa Kỳ không còn khả năng không vận.

Kế hoạch HQLS719 cũng tính sai về khả năng yểm trợ hoả lực, không pháo từ trực thăng ở những bãi đổ quân. Trực thăng võ trang AH-1G hay những chiến UH-1C biến cải thành võ trang, không đủ hoả lực để đè bẹp phòng không của đối phương trên đường bay vào bãi đáp, hay hộ tống những phi vụ chở quân. Một lần nữa, MACV và QÐXXIV không ước lượng được sự cuồng nộ của phòng không đối phương — càng lúc càng gia tăng theo thời gian của trận chiến. Khi MACV yêu cầu không quân Hoa Kỳ yểm trợ và tham dự vào kế hoạch dọn bãi đáp thì số trực thăng thiệt hại đã lên khá cao. Trước khi đó, thông thường BTL QÐXXIV chỉ yêu cầu 10-12 phi vụ dội bom chiến thuật từ không quân, rồi pháo binh và không pháo trực thăng đàn áp hỏa lực phòng không để cho trực thăng đáp xuống. Nhưng sau 20 ngày hành quân, 31 trực thăng bị hủy hoại và 230 chiếc khác bị trúng đạn, phi công trực thăng Lục quân Hoa Kỳ e ngại hơn. Ngày 3 tháng 3, khi đổ quân vào bãi đáp LoLo ở đông nam Tchepone, trực thăng gặp kháng cự mạnh của phòng không. Cuộc đổ quân bắt đầu từ 10 giờ sáng, bị nhiều gián đoạn vì hoả lực của đối phương, đến 6:30 chiều mới hoàn tất. Kết quả: Liên đoàn 101 Không vận Trực thăng có 20 bị trúng đạn không cất cánh được; bảy bị hủy diệt hoàn toàn; và 42 bị trúng đạn hư hại. Sự khinh thường hoả lực phòng không của đối phương gây nhiều trở ngại và thiệt hại cho lực lượng tấn công. Cũng vì khinh thường đối phương nên QÐXXIV không “mời” Không lực 7 góp ý kiến vào những kế hoạch dọn bãi, nhất là những bãi đáp để tiến vào Tchepone vào đầu tháng 3. Sau lần thiệt hại ở bãi đáp LoLo, QÐXXIV chấp nhận phương cách dọn bãi đổ quân của Không lực 7. [37]

c. Hệ thống chỉ huy và điều khiển của Hoa Kỳ và VNCH trong cuộc hành quân. Vấn đề chỉ huy và điều khiển phía VNCH đã được báo chí, sách vở bàn luận nhiều. Ở đây người viết chỉ lặp lại một số chi tiết đáng nhớ. Ðặt hai trung tướng Lê Nguyên Khang và Dư Quốc Ðống dưới quyền thống thuộc của trung tướng Hoàng Xuân Lãm gây nhiều trở ngại cho vấn đề chỉ huy và điều khiển. Sự bất hợp tác — và bất phục — tùng dĩ nhiên xảy ra. Tương tự, sự bất hợp tác hiện hữu khi Lữ đoàn 1 Nhảy dù (đại tá Lê Quang Lưỡng) nằm dưới quyền thống thuộc của Chiến đoàn 1 Ðặc nhiệm (đại tá Nguyễn Trọng Luật). Sự giậm chân tại chỗ năm ngày ở Bản Ðông của quân Dù và Thiết kỵ; cuộc giải cứu thất bại đồi 31, đêm 25 tháng 2... là những bằng chứng về sự bất hợp tác này. Tài liệu cho thấy sự bất đồng xảy ra khi tướng Khang đập bàn lúc nói chuyện với tướng Lãm. Tướng Lãm bay về Dinh Ðộc Lập để than phiền với Tổng thống Thiệu và Đại tướng Viên về tướng Ðống. [38] Cũng chính vì sự bất hợp tác này, trung tướng Lãm đã thay đổi kế hoạch giữa lúc trận chiến đang xảy ra: Sư đoàn 1 Bộ binh thay Sư đoàn Nhảy dù nhảy vào Tchepone; TQLC từ Khe Sanh sẽ đổ bộ vào những cao điểm phía nam đường 9, thay thế bộ binh của Sư đoàn 1. Sự thay thế này đã gây nhiều thiệt hại cho Sư đoàn TQLC ở hai cao điểm Hotel và Delta.

Hệ thống chỉ huy và điều khiển của Hoa Kỳ trong HQLS719, tuy không có vấn đề bất tuân hệ thống quân giai, nhưng họ lại quên chỉ định một quân giai để chỉ huy và điều khiển: Ở bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh, cho đến ngày 24, Hoa Kỳ không có một sĩ quan cấp tướng nào để chỉ huy và điều khiển các ông đại tá của các quân chủng khác nhau (sĩ quan liên lạc/ phối hợp của Không duân, Hải quân, Thuỷ quân Lục chiến...). Ngày 25 tướng Abrams mới cho một trung tướng ra bộ chỉ huy tiền phương để duyệt xét sự hợp tác và phối hợp giữa Không quân và Lục luân. Thêm vào sự khó khăn là các sĩ quan cố vấn cho các sư đoàn VNCH làm việc trực tiếp cho MACV, nên họ không phải trả lời cho BTL QÐXXIV, và họ điều khiển chiến thuật, cung cấp tiếp liệu, yêu cầu yểm trợ theo ý họ. Ðôi khi MACV phải giải quyết những trở ngại này từ Sài Gòn. [39]

Một sự thiếu hiệu quả khác của hệ thống chỉ huy và điều khiển là nằm xa nhau, khó “chạy qua, chạy lại” để hỗ trợ. BTL QÐXXIV nẵm ở Ðà Nẵng; QÐ I nằm ở Huế và Quảng Trị; và bộ chỉ huy tiền phương thì nằm ở Khe Sanh. Hệ thống chỉ huy như vậy không bảo đảm được sự liên tục của quân lệnh.

d. Tin tức tình báo sai lạc trong cuộc hành quân. Khi tấn công vào một địa hình do địch làm chủ hoàn toàn, ở một mặt trận xa hậu cứ, và đường tiếp tế thì giới hạn bởi chính địa hình đó, tin tức tình báo về lực lượng của đối phương rất quan trọng. Mọi sự sai lệch về tình báo sẽ là một yếu tố quan trọng đưa đến thắng thua trong trận chiến. Nhưng rất tiếc, tin tức tình báo mà ban tham mưu VNCH và Hoa Kỳ dựa vào để soạn thảo kế hoạch HQLS719 thì hoàn toàn sai lạc. Sai lạc về hoả lực, quân số, và địa hình của mặt trận gây nhiều khốn đốn cho lực lượng tấn công.

Hoả lực phòng không. Ước tính tình báo sơ khởi do Không lực 7 cung cấp, cho biết Binh đoàn 559 và các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 70B có khoảng 225-275 súng phòng không. Dựa vào tin tức này, QÐXXIV và Liên đoàn 101 Không vận Trực thăng nghĩ họ có thể “giải quyết được.” Càng nghĩ họ sẽ giải quyết và áp chế được số lượng phòng không địch ở Hạ Lào, nên chẵng những Lục quân không xin yểm trợ tối đa của Không quân, mà họ còn cho ước tính của Không quân quá cao. Nhưng ngược lại, ước tính của Không quân quá thấp: Khi lâm trận thì mới biết CSVN có từ 525-575 súng phòng không ở mặt trận. [40] Nhiều nhất là loại 12.7 ly. Loại súng này không lớn, không bắn được cao, nhưng đủ để triệt hạ những trực thăng đổ bãi. Và vũ khí đó đã làm thay đổi trận chiến rất nhiều. Ước lượng về hoả lực địa pháo cũng hoàn toàn sai: Không lực và pháo binh Ðồng Minh không phản pháo hay áp đảo được tất những ụ pháo của đối phương. Ðầu tháng 3, trung tướng Sutherland gọi điện thoại về nói với tư lệnh phó MACV Fred Weyand, “Ðịch có mặt mọi nơi. Súng cối và pháo binh gây nhiều phiền phức...” Tiểu đoàn 2 Nhảy dù di tản khỏi đồi 30 không phải vì áp lực bộ binh của địch mà là vì pháo. Hơn 1.000 quả pháo bắn vào đồi 30 trong hai ngày trước khi tiểu đoàn di tản, hủy diệt tất cả pháo binh của hai pháo đội đóng trên đồi. [41]

Sai lạc về địa hình. Không ảnh do Không lực 7 cung cấp và ước lượng cho biết đường 9 từ Lao Bảo về Bản Ðông lưu thông được. Xăng và nước uống sẽ được chuyển vận bằng quân xa theo lộ trình đó để tiếp tế cho mặt trận. Nhưng không ảnh hoàn toàn sai: Ðường 9 bị không quân dội bom từ năm 1966, cắt ra nhiều đoạn. Trên đường, đôi khi có nhiều lỗ thủng bề ngang 6-7 thước, sâu 2-3 thước. [42] Khi những chuyến xa “tanker” loại 5.000 gallons gặp những khúc đường đó, họ không băng qua được được. Xăng và nước chỉ đến được Khe Sanh, từ đó ra chiến trường phải là trực thăng. Di chuyển bằng đường bộ không được gaây một gánh nặng cho không vận. Nước cho người đã là một gánh nặng; nặng hơn là nhiên liệu cho các lực lượng cơ giới. Lực lượng cơ hữu của Lữ đoàn 1 Kỵ binh có tổng cộng 62 xe tăng và 162 thiết giáp. Chưa kể những quân xa đi theo. [43] Cơ giới mà không có xăng thì cũng như không. Trên đoạn đường rút quân về biên giới, một số quân xa, thiết giáp, xe tăng, bị bỏ lại chỉ vì hết xăng. Khi BTL QÐXXIV biết được chuyển vận sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào không vận, thì khả năng không vận của quân đoàn đã quá mức tối đa, không còn xây chuyển được.

Một sai lạc về địa hình rất căn bản xảy ra trong HQLS719 nói lên sự thất bại của nguyên kế hoạch: lính đi qua Hạ Lào không được trang bị y phục cho thời tiết lạnh. Trên những cao độ ở Hạ Lào, ban đêm lính rất khổ sở vì lạnh. Rừng núi ở Hạ Lào vào tháng 2, trên đồi cao mà không trang bị quân phục ấm cho lính thì đó là một ước tính thiếu sót không hiểu được. Ðiều đó nói lên tất cả sự sơ sót của kế hoạch HQLS719.

 

Quân lực Việt Nam Cộng hòa Chiến dịch Lam Sơn 719 Bách khoa toàn thư Wikipedia Chiến dịch Lam Sơn 719 / Chiến dịch đường 9 - Nam Lào Một phần của Chiến tranh Việt Nam Chiến dịch Lam Sơn 719 hay Cuộc Hành quân Hạ Lào (cách gọi của Việt Nam Cộng hòa) hay Chiến dịch đường 9 - Nam Lào (cách gọi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) là một chiến dịch trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tại Lào và cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Tchepone nằm cách biên giới Việt-Lào 42 km về phía Tây. Chiến dịch này còn là một thử nghiệm về khả năng Quân lực Việt Nam Cộng hòa có thể tự chiến đấu trong tình huống Mỹ tiếp tục rút quân ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, một thử nghiệm về chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và năng lực hoạt động độc lập một cách hiệu quả của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Do những sai lầm cố hữu trong hệ thống chỉ huy của Việt Nam Cộng hòa, nhu cầu bảo mật làm hạn chế việc lập kế hoạch kĩ càng, và sự bất lực của các chỉ huy quân sự và chính trị của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khi đối mặt với thực tế chiến sự, và do sự thi hành kém, Chiến dịch Lam Sơn 719 đã sụp đổ khi đối mặt với sự phản kháng kiên quyết và khéo léo của đối phương. Chiến dịch này đã là một thảm họa đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm tiêu tan những đơn vị thiện chiến nhất của quân đội này, và phá tan sự tự tin đã được xây dựng trong ba năm trước đó. Việt Nam hóa chiến tranh, chiến lược mà nhiều quan chức dân sự và quân sự Mỹ coi là phương cách tốt nhất để cứu Việt Nam Cộng hòa và để Mỹ hoàn thành việc rút quân, đã thể hiện sự thất bại. Chiến dịch này còn đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chiến sự bùng nổ ở Hạ Lào không giống như bất cứ trận chiến nào trước đó trong Chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên QĐNDVN bỏ chiến thuật cũ và tiến hành phản công theo kiểu chiến tranh chính quy truyền thống, lần đầu tiên QĐNDVN mở các đợt tấn công lớn bằng bộ binh với yểm trợ của thiết giáp và pháo binh hạng nặng để đè bẹp các vị trí của QLVNCH tại các cánh sườn của tiền đội chính. Sự hiệp đồng tác chiến của hỏa lực phòng không đã làm cho yểm trợ không quân chiến thuật và tăng viện bằng không quân của Mỹ trở nên khó khăn và chịu nhiều thiệt hại. Quân đội Nhân dân Việt Nam dự đoán sẵn một nỗ lực quân sự tiếp theo tất yếu của sự Việt Nam hóa chiến tranh và bày sẵn thế trận tiêu hao đối thủ. Trong thời gian đầu của chiến dịch Quân đội Nhân dân Việt Nam cố gắng tìm cách giấu lực lượng để địch tiến về phía tây, chỉ đến khi không còn giữ được bí mật, mới tiến hành trận đánh Đại phá bản Đông, cho thấy Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại "từ trong trứng". Hoặc một cách lập luận khác, Việt Nam Cộng hòa đã biết chắc thất bại nhưng vẫn tiến hành chiến dịch đẫm máu vì những lý do chính trị, như lời của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "chỉ cần đến Xê-pôn rồi rút về".[cần dẫn nguồn] Hoàn cảnh Hệ thống đường Trường Sơn Trong thời kỳ 1959-1970, đường Trường Sơn đã trở thành tuyến hậu cần quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam cho nỗ lực của họ nhằm thực hiện các hoạt động quân sự để lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hỗ trợ và thống nhất đất nước. Chạy từ phía tây Bắc Trung Bộ qua vùng Đông Nam Lào và đi vào một số vùng phía Tây của miền Nam, hệ thống đường Trường Sơn đã là mục tiêu của các nỗ lực đánh phá ngăn chặn liên tục của Mỹ suốt từ năm 1966. Tuy nhiên, hỗ trợ các chiến dịch không kích, các hoạt động ngầm mới chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ trong địa phận của Lào nhằm ngăn chặn dòng người và hàng trên đường Trường Sơn.[5] Hành quân bằng Thiết giáp M113 Kể từ năm 1966, trên 630.000 người, 100.000 tấn lương thực, 400.000 vũ khí, và 50.000 tấn đạn dược đã di chuyển qua mê cung của những con đường đất, đường rải đá, đường mòn, và các hệ thống vận chuyển đường sông dọc ngang vùng Đông Nam Lào, nối với một hệ thống hậu cần tương tự tại nước láng giềng Campuchia - Đường mòn Sihanouk.[6] Tuy nhiên, từ sau khi Norodom Sihanouk bị lật đổ năm 1971, chính quyền Lon Nol thân Mỹ đã không cho lực lượng quân Giải phóng tiếp tục sử dụng cảng Sihanoukville để nhận hàng. Về mặt chiến thuật, đây là một đòn nặng đối với nỗ lực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do 70% hàng quân sự cho miền cực nam đã được chuyển đến qua cảng này.[7] Cú đòn tiếp theo vào hệ thống hậu cần đặt tại Campuchia đã được thực hiện vào mùa xuân và mùa hè năm 1970, khi quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vượt qua biên giới và tấn công các khu căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trong chiến dịch Campuchia. Hoàn thành việc phá hủy các "thánh địa Cộng sản" tại Campuchia, các sở chỉ huy Mỹ tại Sài Gòn quyết định rằng thời gian đang thuận lợi cho một chiến dịch tương tự tại Lào. Các tướng lĩnh Mỹ tin rằng, nếu thực hiện một chiến dịch như vậy, tốt nhất là làm thật nhanh, trong khi các phương tiện chiến tranh của Mỹ vẫn còn sẵn có tại miền Nam Việt Nam. Một chiến dịch như vậy sẽ gây ra sự thiếu thốn đạn dược vũ khí cho Giải phóng quân sau 12 đến 18 tháng, trong khi quân đội Mỹ rút dần ra khỏi miền Nam Việt Nam, và nhờ đó trì hoãn một cuộc tấn công lớn của Quân Giải phóng vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam Cộng hòa trong vòng 1 năm, thậm chí có thể 2 năm.[8] Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa thuộc Tiểu đoàn 1 Cơ giới tại Mặt trận Đường 9 Nam Lào Khi đó đang có các dấu hiện ngày càng tăng của hoạt động hậu cần tại miền Đông Nam Lào, hoạt động này báo hiệu một cuộc tấn công lớn của quân đội nhân dân Việt Nam.[9] Các cuộc tấn công này thường xảy ra vào gần cuối mùa khô tại Lào (từ tháng 10 đến tháng 3), mùa các lực lượng hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam hoạt động mạnh nhất. Một báo cáo tình báo Mỹ ướng tính khoảng 90% lượng quân nhu của Quân đội Nhân dân Việt Nam chuyển dọc đường Trường Sơn đang được điều vào 3 tỉnh cực Bắc của Việt Nam Cộng hòa, hiện tượng này cho thấy sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn.[10] Đây là một tín hiệu cảnh báo cho cả Washington và chỉ huy Mỹ tại Việt Nam, hối thúc về sự cần thiết của một cuộc tấn công ngăn chặn để làm trật bánh các mục tiêu của QĐNDVN trong tương lai.[11] Lực lượng tham chiến Lực lượng của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ trong cuộc hành quân này gồm có: Quân lực Việt Nam Cộng hòa: 3 sư đoàn: Sư đoàn Dù (gồm 3 lữ đoàn 1,2,3), Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh 3 lữ đoàn: Liên đoàn 1 Biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 - sư đoàn bộ binh số 2 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: trung đoàn 17, 11, 7, 4 (trang bị xe tăng M-41) 13 tiểu đoàn pháo binh Quân Mỹ: 12 tiểu đoàn bộ binh: 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn dù 101, 4 tiểu đoàn lữ 1 sư đoàn 5 bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn Americal 8 tiểu đoàn pháo binh (cỡ pháo từ 155 đến 203 mm) 1200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay chiến lược B-52 Quân đội Hoàng gia Lào 2 binh đoàn cơ động GM30 và GM33 Quân đội Nhân dân Việt Nam, với chỉ huy là Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (mật danh là "Bộ tư lệnh 702"). Các sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320 và 324 Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng T-34, T-54, PT-76 Một số tiểu đoàn đặc công Ba trung đoàn pháo binh cơ giới: 368, 38, 45 Trung đoàn pháo mang vác 84 Ba trung đoàn pháo phòng không: 230, 241, 591 Ba trung đoàn công binh: 219, 83, 7 Bảo vệ hậu phương chiến lược, trực tiếp của chiến dịch là Sư đoàn phòng không 367 gồm 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237 Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559 Chiến lược và kế hoạch Mục tiêu của QLVNCH là xâm chiếm phần lãnh thổ Lào quanh đường 9, kéo dài từ biên giới tới thị trấn Xê-pôn; tiêu diệt lực lượng đối phương đóng trong vùng; phá hủy tất cả các kho xăng dầu và hậu cần; kiểm soát mọi sự thâm nhập dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam. Đối với QLVNCH, chiến thuật cơ bản của Lam Sơn 719 là đánh-và-rút. Trên kế hoạch, điều này là khả thi do yểm trợ về không quân và khả năng di chuyển bằng máy bay. Để gây thiệt hại tối đa về người cho QĐNDVN, QLVNCH sẽ tiến công và thiết lập các cứ điểm mạnh, kéo đối phương vào các vùng trống, tạo điều kiện cho hỏa lực mạnh của không quân và pháo binh Mỹ phát huy hiệu quả. Các nhà chiến lược quân sự Mỹ cho rằng, với “ưu thế tuyệt đối, 600 - 1.000 máy bay lên thẳng sẽ cho phép 20.000 quân Sài Gòn làm được những điều mà phải cần đến 8 hoặc 10 vạn quân”. Ngày 7 tháng 1 năm 1971, MACV nhận được thẩm quyền lập kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công vào các khu căn cứ 604 và 611 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tướng James W. Sutherland, Jr., được giao nhiệm vụ lập kế hoạch để MACV thông qua. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ bao gồm 4 pha. Trong pha đầu tiên, quân Mỹ sẽ chiếm vùng sát biên và thực hiện các hoạt động nghi binh. Tiếp theo, đội hình dù phối hợp tăng thiết giáp của VNCH sẽ tấn công dọc theo đường 9 về phía thị trấn Xê-pôn của Lào - căn cứ hậu cần 604 của QĐNDVN. Đội hình tiến công sẽ được bảo vệ bởi các đơn vị dù và biệt động quân ở sườn phía bắc và Sư đoàn 1 Bộ binh ở sườn phía Nam. Trong pha thứ 3, các hoạt động tìm diệt tại Xê-pôn sẽ được thực hiện. Cuối cùng, các lực lượng của VNCH sẽ rút ra dọc theo đường 9 hoặc qua căn cứ 611 và ra khỏi địa phận Lào qua thung lũng A Sầu.[12] Những người lập kế hoạch đã hy vọng rằng quân đội của VNCH có thể trụ lại Lào cho đến khi mùa mưa đến vào đầu tháng 5.[13] Phần chiến dịch do Mỹ thực hiện được đặt tên Dewey Canyon II, lấy tên theo chiến dịch Dewey Canyon do thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện tại vùng Tây Bắc Việt Nam Cộng hòa năm 1969, với hy vọng rằng sự trùng tên này sẽ làm Hà Nội nhầm lẫn về mục tiêu chính của cuộc tấn công. Phần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa được đặt tên Lam Son 719, con số 719 được ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của cuộc tấn công. Ngày 29 tháng 1, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn lần cuối đối với chiến dịch. Ngày hôm sau, chiến dịch Dewey Canyon II bắt đầu. Việt Nam Cộng hòa sắp bước vào chiến dịch lớn nhất, phức tạp nhất, và quan trọng nhất của họ trong cuộc chiến tranh. Diễn biến Đầu tháng 2 năm 1971, 17.000 (sau tăng lên 21.000) quân VNCH vượt biên giới với Lào đi theo đường 9 và hướng về trung tâm hậu cần của QĐNDVN tại Xê-pôn. Chiến dịch Lam Sơn 719, cuộc tấn công vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và cuộc thử nghiệm lớn chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đã bắt đầu.[14] Theo luật, quân đội Mỹ (ngoại trừ các đơn vị không quân, pháo binh, và trực thăng) không được phép tham gia cuộc xâm lấn.[15] QLVNCH đã tấn công, tiến đến các vị trí đã định trong kế hoạch. Nhưng không chốt giữ được lâu để thực hiện mục đích ngăn cản sự tiếp tế. QĐNDVN đã dự đoán trước được hướng tiến công nên đã chủ động thực hiện phòng ngự - phản công, gây thiệt hại lớn và ngăn chặn được ý đồ chia cắt của QLVNCH. Đợt 1 (31/1 - 7/2) Đây là giai đoạn bên tấn công chuẩn bị hậu cần, chuyển quân. Sở chỉ huy chiến dịch (Quân đoàn 1 QLVNCH) chuyển từ Đà Nẵng tới Đông Hà, chuẩn bị hậu cần để tiếp nhận lực lượng tăng cường từ Sài Gòn. QLVNCH thực hiện các hoạt động nghi binh như thể sắp vượt giới tuyến 17 đánh ra Bắc. Cuối cùng, sở chỉ huy chuyển về đặt tại Khe Sanh. Đầu tháng 2 năm 1971, trên hướng phối hợp đông đường 9 gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa do Mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị chỉ huy, từ ngày 1 đến 5 tháng 2 năm 1971, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 27), Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 84 pháo binh) của QĐNDVN tiến công chế áp quân QLVNCH ở khu vực Tân Lâm, Sa Mưu; Tiểu đoàn 3 độc lập tập kích quân QLVNCH ở tây Đầu Mầu, Tiểu đoàn 15 đánh cắt giao thông từ Bồng Kho đi Rào Quán. Trong hai ngày 6 và 7 tháng 2 năm 1971, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 84 pháo binh) bắn 200 viên đạn pháo các loại vào căn cứ Đông Hà và Sở chỉ huy tiền phương Sư Đoàn 1 Bộ Binh QLVNCH ở điểm cao 241... Trên hướng tây đường 9 bao gồm các khu vực Đồng Hến (Atsaphangthong), Pha Lan (Thaphalanxay), Mường Phìn (Phine) tỉnh Savannakhet của nước Lào, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) phối hợp với Quân Giải phóng Nhân dân Lào, trong hai ngày (25 và 26 tháng 1 năm 1971) đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn đặc nhiệm (thuộc Binh đoàn GM 33) ở Pha Lan. Ngày 6 tháng 2, Bộ Quốc phòng VNDCCH ra quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào với mật danh "bộ tư lệnh 702". Một lực lượng lớn gồm bộ binh, pháo binh và thiết giáp, phòng không tên lửa được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh mặt trận sẵn sàng đợi lệnh. Tấn công Tối 7-2, Tổng thống Mỹ Richard Nixon nhận được bản báo cáo đầu tiên: cuộc tiến quân vượt biên giới Việt – Lào đã tiến hành “theo đúng kế hoạch”, mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. 8 giờ ngày 8 tháng 2 năm 1971, Tống thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mở cuộc tiến công nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố: "Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Xê-pôn"...[cần dẫn nguồn]. Đầu năm 1971, tình báo Mỹ ước tính lực lượng QĐNDVN tại Căn cứ 604 là 22.000 người, gồm 7.000 lính chiến đấu, 10.000 người trong các đơn vị hậu cần và hỗ trợ, và 5.000 quân Pathet Lào, tất cả nằm dưới sự chỉ huy của Mặt trận 702 mới được thành lập.[16] Đã có nhiều quan điểm khác nhau về phản ứng có thể của QĐNDVN đối với cuộc tấn công. Tướng Abrams tin rằng, không như ở Campuchia, tại các căn cứ ở Lào, QĐNDVN sẽ trụ lại và chiến đấu. Ngay từ ngày 11 tháng 12, ông đã báo cáo với Đô đốc McCain (1911-1981) rằng các đội hình bộ binh, thiết giáp, và pháo mạnh đã có mặt ở Nam Lào... các tuyến phòng không ghê gớm đã được triển khai... địa hình rừng núi là một trở ngoại bổ sung. Các bãi trống tự nhiên cho trực thăng hạ cánh hiếm và khả năng lớn là đã được phòng thủ chặt chẽ. Các khối lớn các đơn vị chiến đấu đang ở trong vùng lân cận Xê-pôn, và QĐNDVN chắc sẽ bảo vệ các căn cứ và các trung tâm hậu cần của mình trước bất kì hoạt động quân sự nào của Mỹ và đồng minh.[17] Tuy nhiên, tình báo MACV đã tin rằng cuộc xâm nhập sẽ chỉ bị chống cự nhẹ. Các cuộc không kích chiến thuật và pháo sẽ làm mất tác dụng của số lượng vũ khí phòng không trong khu vực được ước tính là từ 170 đến 200 khẩu, và mối đe dọa từ các đơn vị thiết giáp QĐNDVN được coi là tối thiểu. Khả năng tăng viện của QĐNDVN được xác định là từ hai sư đoàn đóng phía bắc Khu Phi Quân sự sẽ đến sau 14 ngày, và MACV hy vọng rằng các hoạt động nghi binh sẽ giữ chân các đơn vị này trong thời gian xảy ra chiến dịch.[18] Tuy nhiên, khi viện binh của QĐNDVN đến nơi, họ lại không đến từ phía bắc như MACV dự đoán, mà lại từ Căn cứ 611 và thung lũng A Sầu ở phía nam, nơi 8 trung đoàn, tất cả đều có các đợn vị pháo binh hữu cơ, đang ở trong tầm 2 tuần hành quân. Ngay từ ngày 26 tháng 1, QĐNDVN đã đang chờ đợi một cuộc tấn công. [19] Sau các đợt bắn phá dữ dội của hàng chục trận địa pháo gồm hàng trăm khẩu từ 105 mm tới 175 mm bố trí dọc biên giới Việt - Lào trên một chính diện 30 km; và các phi vụ ném bom B-52 dọc hai bên Đường 9 - Nam Lào, cuộc hành quân Lam Sơn - 719 bắt đầu vào ngày 8 tháng 2, khi cánh quân chính của Việt Nam Cộng hòa, lực lượng hiệp đồng thiết giáp/bộ binh gồm 4000 quân thuộc Lữ đoàn 3 Thiết giáp và các Tiểu đoàn 1 và 8 Nhảy dù, tiến về phía Bản Đông theo đường 9 không gặp phản kháng. Để bảo vệ sườn phía bắc, Tiểu đoàn 39 Biệt động quân được không vận tới bãi đáp Ranger North (biệt động quân bắc), còn Tiểu đoàn 21 Biệt động quân tới Ranger South (biệt động quân nam). Các tiền đồn này có nhiệm vụ làm rào cản đối với bất kỳ cuộc tiến quân nào của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ phía Bắc vào khu vực xâm nhập của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cùng thời gian đó, Tiểu đoàn 2 Nhảy dù chiếm cứ điểm 30 (Fire Support Base 30), còn sở chỉ huy Lữ 3 Dù cùng Tiểu đoàn 3 Nhảy dù tới cứ điểm 31. Đồng thời, các đơn vị của Sư đoàn 1 Bộ binh đánh chiếm các bãi đáp Blue, Don, White, và Brown cùng các cứ điểm Hotel, Delta, và Delta 1, che chắn sườn phía nam của đội hình chính.[20] Nhiệm vụ của đội hình chính là tiến theo thung lũng sông Xê-pôn, một dải đất tương đối bằng phẳng với cây bụi xen lẫn rừng thưa, phía Bắc và phía Nam là núi cao. Gần như ngay lập tức, các trực thăng tiếp vận chịu hỏa lực từ các đỉnh cao, nơi các tay súng Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể dùng súng máy và súng cối bắn xuống máy bay. Thêm vào đó, đường 9 xấu đến mức chỉ có xe bánh xích và xe jeep có thể đi được về phía Tây. Điều này đặt gánh nặng tăng viện và hậu cần cho máy bay. Các đơn vị trực thăng trở thành hình thức hậu cần sống còn, một vai trò trở nên ngày càng nguy hiểm do trần mây thấp và hỏa lực phòng không không dứt.[21] M41 Walker Bulldog, xe tăng chiến đấu chính của QLVNCH Ngày 10 tháng 2, lực lượng thiết giáp QLVNCH kiểm soát được Đường 9 cho đến Bản Đông, nằm sâu 20km trong địa phận Lào và ở khoảng giữa đường tới Xê-pôn. Đến 11 tháng 2, Bản Đông trở thành căn cứ và là trung tâm chỉ huy chiến dịch. Theo kế hoạch, cần tấn công mạnh để chiếm giữ mục tiêu chính, nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa lại dừng lại ở Bản Đông để chờ lệnh tiến của tướng Lãm.[22] Hai ngày sau, tướng Abrams và Sutherland bay đến sở chỉ huy tiền phương của Hoàng Xuân Lãm tại Đông Hà để đẩy nhanh lịch trình. Nhưng tại cuộc họp, thay vào đó, các tướng đã quyết định đẩy các tiền đồn của Sư đoàn 1 Bộ binh ở phía Nam đường 9 về phía Tây để bảo vệ sườn cho hướng tiến quân theo kế hoạch. Việc chuyển quân này tốn thêm 5 ngày nữa.[23] Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức vây hãm Bản Đông từ nhiều phía, không để cho cánh quân chính của Việt Nam Cộng hòa theo đường 9 tiến lên Xê-pôn. Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird phủ nhận khẳng định của các nhà báo rằng cuộc tiến công của VNCH đã đình trệ. Tại một cuộc họp báo, Laird tuyên bố rằng A Loui (Bản Đông) chỉ là một điểm tạm dừng để các chỉ huy QLVNCH có cơ hội "quan sát và đánh giá các di chuyển của đối phương.... Chiến dịch đang tiến triển theo kế hoạch."[24] Về phía QĐNDVN, sáng 9 tháng 2, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) tăng cường cho Sư đoàn 308 liên tiếp đánh bại 5 đợt tiến công của chiến đoàn đặc nhiệm dù tại chốt 351 cầu Cha Kỵ, diệt gần hai đại đội. Cùng ngày, tại đường 16, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) đánh thiệt hại nặng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 21 Biệt động quân) bảo vệ an toàn trận địa pháo Làng Sen. Đêm 11 tháng 2, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 88) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64) tập kích Tiểu đoàn 2 dù ở bắc Sê Num. Từ ngày 11 đến 13 tháng 2, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) liên tiếp đánh thắng hai trận ở khu vực điểm cao 456 và đồi Không tên, tiêu diệt 3 đại đội của Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 (Lữ đoàn dù 3) chốt giữ căn cứ 31 (điểm cao 543) bắc Bản Đông 7 km. Cùng thời gian này, trên hướng nam và tây Bản Đông, các mũi tiến công của QLVNCH đều bị chặn đánh quyết liệt. http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=16980&page=5
Quân lực Việt Nam Cộng hòa Quân lực Việt Nam Cộng hòa HÀNH QUÂN LAM SƠN 719 HẠ LÀO Và ĐẠI ĐỘI 5/TĐ2/TQLC. MX Phạm Văn Tiền Dai Uy Pham Van TienLời tác giả: Từ lâu đã có quá nhiều bài viết về cuộc hành quân Lam-sơn 719 tại Hạ Lào. Có nhiều người quá lạc quan cho rằng QLVNCH đã chiến thắng lớn trong cuộc hành quân nầy vì quân ta đã phá hủy được phần lớn căn cứ hậu cần địch dọc theo hệ-thống đuờng mòn Hồ chí minh tại cứ điểm Tchépone. Lại có vài bài viết khác lại nói rằng đây là cuộc hành quân thảm bại nhất, hao tốn nhiều xương máu của anh em binh sĩ mà chẳng có kết quả cụ thể nào. Bao nhiêu quân trang quân dụng cùng vũ khí đủ loại kể cả pháo binh và thiết giáp đem vào khi xung trận, lại phải hủy diệt tại chổ hay biếu không cho địch. Điều tai hại nhất là làm suy sụp nghiêm trọng đến tinh thần chiến đấu của nguời lính QLVNCH, vì chẳng có đơn vị nào còn nguyên vẹn trong cuộc lui binh rầm rộ, hỗn độn, hấp tấp vô cùng mất trật tự chưa từng xảy ra trong quân sử của bất cứ quân đội thiện chiến nào. Hình ảnh oai hùng của người lính lâm trận cùng đủ loại yểm trợ và các vũ khí vô cùng tối tân đã bị phai nhạt khi người lính trở về trong thất vọng, mất mát, thiểu não như vừa thoát về từ địa ngục trần gian. Với bản thân mình là Đại úy Đại đội trưởng của một đơn vị tổng trừ bị tham dự trong cuộc hành quân nầy. Tôi xin ghi lại một cách trung thực những gì tôi biết, tôi nghe, tôi thấy trong khả năng hiểu biết của mình .Tôi muốn nói lên sự thực, một sự thật vô cùng khổ đau mà người lính QLVNCH phải đương đầu với tất cả sức lực còn lại của mình để tồn tại trong cái chết là điều chắc chắn. Vừa mãn khóa 4/70 Đại đội trưởng tại trường Bộ Binh Thủ Đức, hết phép cũng là lúc tiểu đoàn đang nghỉ dưỡng quân sau cuôc hành quân dài 3 tháng tại Đức Dục - Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm đơn vị được ăn Tết tại hậu cứ. Lệnh chuẩn bị hành quân được ban ra trong lúc đa số các anh em binh sĩ còn trể phép chưa về trình diện đầy đủ. Tiểu đoàn cấm trại 100% và lệnh cho các ĐĐT bằng mọi cách, gom con cái của mình lại càng nhanh càng tốt. Một số lớn binh sĩ ở trại gia binh được gọi vào để trang bị vũ khí đạn dượt sẵn sàng cho môt cuộc hành quân xa. Đại đội tôi cố gắng lắm cũng đử gần được 100 anh em, số còn lại sẽ được chuyển ra trong chuyến liên lạc gần nhất. Đoàn GMC của đại đội vận tải sư đoàn mang chúng tôi từ hậu cứ Tam Hà - Thủ Đức đến phi trường quân sự Biên Hòa, để từ đây không vận bằng C130 ra Huế. Đến phi trường Phú Bài vào lúc nhá nhem tối, vì là đơn vị di chuyển sau cùng của tiểu đoàn nên chúng tôi được lệnh đóng quân qua đêm tại công viên bên bờ sông Hương, trước mặt cửa Thượng Tứ; để rồi sáng sớm ngày hôm sau sẽ vào vùng hành quân. Xe qua An Lỗ, cầu Phổ Trạch quận Phong Điền nơi vết tích của cuộc phản kích tuyệt vời thuộc đơn vị tôi vào sáng ngày 29/6/1966. Vị tiểu đoàn trưỡng đã anh dũng hy sinh cùng hàng chục người khác. Rồi Mỹ Chánh, Quảng Trị, Ái Tử, Đông Hà...một thị trấn nhỏ bé nằm cực Bắc đất nước nơi tuyến đầu lửa đạn, vẫn còn đây với bao kỷ niệm ôm ấp từ những ngày mới ra trường, thành phố của đủ mọi sắc lính vẫn đi và về trong hối hả vội vàng. Qua Cam Lộ bắt đầu rẽ trái về quốc lộ 9 đường đi Savanakhet Hạ Lào để từ đây vào thẳng vùng đồi núi Khe Sanh, nơi đặt trung tâm hành quân của Quân Đoàn I cho cuộc hành quân sắp tới. Khe Sanh là một cái tên khá quen thuộc, một vùng đất mầu mỡ nhiều đồn điền càfé thời Pháp thuộc nay đã biến thành một cứ điểm chiến lược vô cùng quan trọng trong cuộc chiến tranh nầy, nơi nổi danh với nhiều trận đánh lẫy lừng đẫm máu nhất giữa quân CSBV và lực lượng đồng minh Hoa Kỳ vào cuối năm 1967 và những tháng đầu năm 1968. Lực lượng địch đã vây hãm Khe Sanh trong vòng 77 ngày với ý đồ biến nơi đây thành mồ chôn quân Mỹ của một Điện Biên Phủ thứ 2, nhưng rồi đã bị thảm bại tan tác dưới các cơn mưa bom đạn của một quân lực hùng mạnh nhất thế giới, trung bình mỗi ngày hơn 45 phi vụ B52 và 300 phi vụ oanh tạc khác yểm trợ chiến thuật. Số bom đạn được ném xuống ở đây còn nhiều hơn tổng số mà quân đồng minh đã xử dụng trong trận đại chiến thế giới lần 2 khi đánh bại Đức Quốc Xã. Lần nầy để yểm trợ cho cuộc hành quân sang lãnh thổ bạn, quân lực Hoa Kỳ chịu trách nhiệm khai quang các trục lộ và bảo đảm an ninh từ 2 tháng trước từ Đông Hà đến tận miền biên giới Việt Lào, đường xá và một số cầu cống được tu sửa lại thật hoàn chỉnh, phi trường quân sự Khe Sanh bị hoang phế nhiều năm nay cũng được tu bổ lại sẵn sàng cho các vận tải cơ đáp xuống tiếp tế tản thương theo nhu cầu chiến trường; một số bệnh xá dã chiến cũng được thiết lập để có thể chữa trị thương binh tại chổ. Đây là cuộc hành quân được chuẩn bị một cách khẩn trương, nhộn nhịp đại quy mô gồm nhiều đơn vị tham dự mà chẳng có yếu tố bảo mật chút nào. Xe cộ lui tới thường xuyên, tiếng rú của động cơ máy bay cùng các xe ủi đất vang rền lên xuống ngày đêm, có lẽ từ ngày khởi sự chiến tranh ở miền Nam cho đến lúc nầy chưa có cuộc hành quân nào được chuẩn bị ồn ào như vậy. Các lực lượng tham chiến gồm các trung đoàn của sư đoàn 1BB, các lữ đoàn của sư đoàn Nhảy Dù và TQLC, liên đoàn I/BĐQ và lữ đoàn I/Thiết Giáp. Ngoài các thành phần tham dự kể trên còn có các cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh các đơn vị, các sĩ quan đại diện Không lực Mỹ về không trợ và không vận. Kể từ năm 1970, sau kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu giảm bớt quân số tại chiến trường Việt Nam, không còn những cuộc hành quân của lực lượng tác chiến mà chỉ xử dụng không quân yểm trợ phối hợp cùng không quân của QLVNCH. Hệ thống cố vấn Mỹ tại các đơn vị tác chiến cũng từ đó giảm bớt và đặc biệt họ không còn phải tháp tùng trên bộ cùng chúng ta trong các cuộc hành quân ngoại biên. Sư Đoàn TQLC-VN tham dự cuộc hành quân Lam sơn 719 nầy gồm toàn bộ 3 lữ đoàn. Với nhiệm vụ trừ bị cho quân đoàn I, chỉ nhảy vào vùng chiến ở những giai đoạn quyết định mà thôi. Giai đoạn đầu của cuộc hành quân là dùng trực thăng đổ quân xuống các cao điểm Bắc và Nam quốc lộ 9, giới hạn bởi Bản Đông nằm giữa trục tấn công từ biên giới đến Tchépone, thiết lập các căn cứ hoả lực, yểm trợ cho các cuộc hành quân phân tán lục soát trong tương lai. Xử dụng tối đa không trợ, đặc biệt các pháo đài B52 cầy nát mục tiêu trước khi dùng bộ binh đổ xuống Tchépone. Cuộc hành quân chính thức bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày 8, tháng 2 năm 1971 qua lời tuyên bố của TT Nguyễn văn Thiệu trên đài phát thanh Sàigòn: " Cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian và không gian với mục tiêu duy nhất là phá vỡ hệ thống tiếp liệu và xâm nhập của CSBV trên phần đất Ai-Lao mà chúng chiếm đóng và xử dụng trong nhiều năm nay để tấn công vào QLVNCH. Ngoài ra QLVNCH không có tham vọng đất đai nào tại Ai-Lao vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền độc lập và sự an toàn lãnh thổ của Vương Quốc Ai-Lao ". Lữ Đoàn I/ND gồm các tiểu đoàn 1 và 8 cùng Lữ Đoàn I/Thiết Giáp đi tiên phong tiến dọc quốc lộ 9 và hướng Bản Đông để thiết lập căn cứ A-Lưới. Đây là căn cứ lớn nhất của cuộc hành quân và cũng là nơi đặt bộ chỉ huy Lữ Đoàn I/ND. Trên mặt Bắc tiểu đoàn 2/ND và các pháo đội cơ hữu đến điểm cao 500m nằm cách quốc lộ 9 và biên giới Việt Lào hơn 8 Km để thiết lập căn cứ 30. Tiểu đoàn 3/ND cũng nhảy trực thăng vào cao điểm 456m lập căn cứ 31 và cũng là nơi đặt BCH Lữ đoàn 3/ND. Xa hơn nữa về mặt Bắc, Liên Đoàn 21/BĐQ gồm 2 tiểu đoàn 21 và 37 được trực thăng vận đến bãi đáp Ranger South cách căn cứ hỏa lực 30 khoảng 5 km về phiá Tây Bắc. Ba ngày sau tiểu đoàn 39/BĐQ được nhảy vào căn cứ Ranger North. Hai căn cứ nầy được thiết lập với mục đích quan sát sự chuyển quân của CS đồng thời làm trì hoãn các cuộc tấn công địch vào trục tiến quân chính.Trung Đoàn 3/SĐI/BB cũng được nhảy vào vùng tận cùng phiá Nam tại căn cứ Blue và Hotel, trong khi đó Trung Đoàn I/SĐI/BB vào hoạt động xung quanh căn cứ Delta. Mục tiêu 604 tại thị trấn Tchépone đã bị ta oanh tạc thật khủng khiếp và nhờ vậy các cuộc đổ quân của ta vào vùng nầy được hoàn tất mà không gặp được sự kháng cự nào. Địch hầu như biết trước ý định của ta nên đã phân tán mỏng ra xa để tránh thiệt hại, để rồi liền sau đó tập trung nhiều Sư Đoàn thiện chiến nhất để tấn công ta. Chiến dịch tổng phản công của địch được mở màn ngày 18/2 khi tăng cường áp lực bao vây và tấn công căn cứ Ranger North, trung đoàn 102 thuộc sư đoàn 308/CSBV đã áp đảo được căn cứ nầy. Thời tiết xấu và cường độ phòng không quá mạnh của CS khiến không quân không thể can thiệp hữu hiệu, đến chiều 19/2 căn cứ Ranger North bị tràn ngập, vị tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Khang TĐ39/BĐQ đã bị bắt sống, bộ phận còn lại do tiểu đoàn phó chỉ huy di tản về Ranger South. Căn cứ Ranger North thất thủ, quân CS tiếp tục đánh chiếm căn cứ Ranger South, tìểu đoàn 21/BĐQ chỉ đủ sức cầm cự được 2 ngày với sự thiệt hại thật nghiêm trọng, sau đó được trực thăng vận bốc về Phú Lộc qua chuyển tiếp căn cứ 30 của Nhảy Dù. Thừa thắng xông lên vào ngày 23/2 địch bắt đầu tấn công thăm dò căn cứ 31, để rồi sau đó tung toàn bộ chiến xa tiến chiếm căn cứ nầy. Đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ đoàn trưởng cùng một số sĩ quan tham mưu đã bị bắt sống, trong đó có những cái chết thật hào hùng của Thiếu Tá Hiền Tham Mưu Trưởng và Đại Úy Đương pháo đội trưởng đã tự kết liễu đời mình. Đúng 6 giờ 30 sáng ngày 25/2/71, căn cứ hỏa lực 31 Hạ Lào đã hoàn toàn lọt vào tay giặc. Ngày 26/2, CS dùng 2 trung đoàn thuộc SĐ304 tiếp tục tấn công căn cứ 30 cuối cùng căn cứ nầy cũng phải di tản chiến thuật và toàn thể các khẩu pháo cơ hữu của ta bị hư hại hoàn toàn. Trong khi địch tấn công ồ ạt ở mặt Bắc, thì tại khu vực Đông Nam các đơn vị của trung đoàn 3/BB cũng đã bị bao vây uy hiếp. Mặc dầu cũng đã được yểm trợ bởi không quân và pháo binh đầy đủ nhưng vẫn cầm cự không nổi, sau cùng cũng phải tìm nơi an toàn để được trực thăng bốc về Khe Sanh. Trước tình hình diễn biến ác liệt của chiến trường, hết đơn vị nầy đến đơn vị khác của ta chịu trận, không sao tiếp cứu lẫn nhau, dù đã có lần khi đồn 31 bị tấn công, SĐ Dù đã đổ bộ thêm vào trận địa một tiểu đoàn để tiếp sức nhưng không sao đáp xuống bải đáp được vì hỏa lực vô cùng mãnh liệt của địch. Về phương diện thông tin báo chí, khi các phóng viên đã thổi phồng tin tức biến những cuộc lui binh cuả chúng ta thành thảm kịch trên chiến trường, điều tệ hại nhất là đài BBC đã phóng đại việc quân ta tiến vào Tchépone trong khi cuộc hành quân mới nửa đường tới mục tiêu; chính việc nầy đã gây một sự bất lợi thật quan trọng cho việc hành quân vì địch quân đã nắm rỏ được ý định của ta nên đã sẵn sàng chuẩn bị nghênh chiến. Sư đoàn I/BB với trung đoàn 2 còn lại bằng mọi gía phải đánh chiếm Tchépone; dù chỉ là một tiểu đoàn được trực thăng vận vào trận địa cũng được, sau khi hoàn tất hoạt động trong thời gian ngắn rồi sẻ rút ra ngay. Trung đoàn I. SĐI/BB được điều quân lên mặt Bắc phía Nam sông Tchépone để tiếp ứng. Địch đã đoán được ý định của ta nên đã bố trí các đơn vị ra xa vùng sát hại dưới những trận mưa bom khủng khiếp của ta. Ngày 6/3, 120 trực thăng chuyên chở hai tiểu đoàn 2 và 4 của trung đoàn 2/SĐI/BB từ Khe Sanh đến bải đáp HOPE, cách Tchépone khoảng 4 km về phía Bắc. Hoả lực khá nặng của CS chỉ bắn rơi một trực thăng trong cuộc trực thăng vận đại qui mô nầy, ngày hôm sau quân đội VNCH tiến vào Tchépone mà không gặp một sự kháng cự nào của địch. Tình hình yên tỉnh cho tới khuya thì pháo địch bắt đầu tập trung bắn phá và điều động cả sư đoàn dùng chiến thuật biển người tấn công ta, trực thăng ta chỉ đến bốc được vài toán đầu, sau đó đành phải bó tay trước hỏa lực phòng không dầy đặc của địch, số còn lại phải mở đường máu di tản về hướng Nhảy Dù. Căn cứ Lolo tại cao điểm 723 nơi bộ chỉ huy trung đoàn I/BB cũng chịu chung số phận phải di tản sau 10 ngày đêm chiến đấu ròng rã. Tiểu đoàn 4 trung đoàn I/SĐI/BB là đơn vị ở lại sau cùng để bảo vệ cuộc lui binh, lúc về đến Khe Sanh chỉ còn 63 người trong tổng số 432 người, tất cả đều bị tử trận, mất tích hay bị thương. Trung tá Lê Huấn, K18 Đà Lạt, người hùng của trung đoàn I/SĐI/BB đã anh dũng hy sinh trong cuộc lui binh nầy. Mãi cho đến giờ phút nầy cũng chưa có ai có thể giải thích một cách rõ ràng tại sao các nhà lãnh đạo quân sự miền Nam đã ném quân sĩ thiện chiến của họ vào mặt trận Hạ Lào, một cuộc hành quân mạo hiểm có tính cách phô trương hơn là mang về một chiến thắng thật sự. Không cần bảo mật mà chẳng có kế hoạch phối hợp rõ ràng, hệ thống chỉ huy điều hành bị bối rối không được thống nhất. Các vị tư lệnh của 2 sư đoàn tổng trừ bị của quân lực VNCH là Trung Tướng Lê Nguyên Khang và Trung Tướng Dư Quốc Đống đã không hiện diện cùng binh sĩ tại mặt trận, mặc dầu đơn vị của họ là những nổ lực chính yếu của chiến trường. Sự thảm hại toàn bộ của các lực lượng tham chiến ở giai đoạn đầu thì việc đổ thêm quân tiếp vào giai đoạn kế tiếp quả là một điều chẳng nên, chỉ làm hao tốn thêm xương máu của binh sĩ mà thôi. Điều quan trọng nhất là còn tinh thần đâu nữa mà chiến đấu. Sư đoàn TQLC cuối cùng rồi cũng phải nhảy vào vòng chiến và cũng không sao tránh khỏi số phận "tan hàng" đang dành sẵn cho mình. Vào trận với một tâm lý không ổn định chuyện thất bại là điều chắc chắn sẽ xảy ra, chúng tôi như những con thiêu thân đang lao mình vào lửa đỏ. Mọi chuyện bắt đầu vào những ngày đầu tháng 3 năm 1971. Lữ đoàn 147/TQLC do Đại Tá Hoàng Tích Thông chỉ huy gồm các tiểu đoàn 2, 4 và 7 được nhảy vào căn cứ Delta. Đây là một dãy đồi có thế hình yên ngựa ở độ cao 550m gồm 2 mỏn nhỏ, mặt Bắc đặt BCH/LĐ, còn phía Nam chỉ có khả năng đủ chổ cho một pháo đội hỗn hợp gồm 2 khẩu 155ly và 4 khẩu 105 ly thuộc tiểu đoàn 2/PB/TQLC. Mặt Tây là một triền dốc đá thẳng đứng dựng, còn phía Đông là những rẫy hoang cùng nhiều đường mòn chi chít. Lữ Đoàn 258/TQLC được trực thăng vận vào đỉnh KOROC, căn cứ Đông Hà nằm trên ranh giới Lào Việt từ Lao Bảo trải dài xuống phía Nam với các tiểu đoàn 1, 3 và 8 cùng pháo đội của tiểu đoàn 3/PB/TQLC. Nhưng mặt trận chính vẫn là xung quanh vùng hoạt động của Lữ Đoàn 147. Tiểu đoàn 4/TQLC được thả xuống và bung rộng về hướng Đông Bắc, tiểu đoàn 2/TQLC chịu trách nhiệm về mặt Tây Bắc, trong khi đó tiểu đoàn 7/TQLC bảo vệ pháo binh và BCH/LĐ. Đại úy Nguyễn Hoa khoá 20 Đàlạt, trưởng ban 3/TĐ7/TQLC đã bị tử thương cùng nhiều binh sĩ khác trong cuộc pháo kích đầu tiên vào căn cứ hỏa lực. Tiểu đoàn 2/TQLC có 4 ĐĐT thì 2 đã bị thương loại khỏi vòng chiến đấu trong tuần lễ ra quân đầu tiên . Trung úy Kiều Công Cự ĐĐT/ĐĐ4, Đ/u Nguyễn Kim Thân ĐĐT/ĐĐ2, Tr/úy Bùi Ngọc Dũng ĐĐP/ĐĐ2, cũng đã bị thương rất nặng cùng Th/úy Trần Văn Loan. Tất cả đã được tải thương kịp thời nhưng Dũng bị chết dọc đường và sau nầy được ghi nhận là mất tích. Tr/úy Nguyễn Dũng Trí ĐĐP/ĐĐ5 được lệnh sang làm ĐĐT/ĐĐ2. Như cục đường bỏ vào hang kiến lửa, địch cứ thế mà bu vào. Sau khi đã rảnh tay ở mặt trận phía Bắc, địch tập trung đủ mọi nổ lực kể cả hệ thống phòng không pháo binh hầu uy hiếp cô lập căn cứ. Hai trực thăng của QLVNCH đã bị bắn hạ nhưng vẫn cố gắng đáp xuống được ngay bãi đáp tại BCH/LĐ, phi hành đoàn an toàn. Đó là phi vụ cố gắng cuối cùng trong chuyến liên lạc với BCH/LĐ. Sau đó việc tiếp tế, tản thương coi như hoàn toàn bế tắc. Chỉ mới vỏn vẹn có một tuần mà bao nhiêu điều bế tắc đã xảy ra, binh sĩ bị thương mỗi ngày một nhiều không được tải thương, đạn dược lương thực bị hao hụt dần, đa số binh sĩ hoang mang giao động không còn tinh thần chiến đấu. Pháo binh cơ hữu của ta bị kiệt quệ hoàn toàn, mọi sự yểm trợ nhờ vào LĐ/258 tại KOROC và các phi vụ oanh tạc của không quân Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 2/TQLC bị địch chận đánh khi hoạt động cách căn cứ khoảng 4-5 km, trong một phi vụ yểm trợ một quả bom đã lạc và nổ ngay vị trí của ĐĐ5 làm tổn thương thêm một số binh sĩ, tiểu đoàn được nhận lệnh dừng ngay tại chổ chờ lệnh. Về phiá TĐ4/TQLC cũng không có gì sáng sủa hơn, vẫn bị địch cầm chân và quân số mỗi ngày thêm hao hụt. Chẳng có một kho tàng nào của địch bị ta phá hủy trong giai đoạn nầy, trước tình thế đó, BCH/LĐ điều động TĐ2 và TĐ4 về hoạt động chung quanh căn cứ để sẳn sàng cho một cuộc rút quân trong tương lai. Biết được ý định đó nên địch càng bám theo ta rất sát, ĐĐ5/TĐ2/TQLC là ĐĐ tiền đồn ở mặt Bắc căn cứ hầu như ngày nào cũng bị địch tấn công, trong khi tất cả lực lượng của TĐ4/TQLC đã rút qua mặt về phía trong BCH/LĐ. Th/tá Nguyễn Xuân Phúc tiểu đoàn trưởng cùng Đ/úy Trần Văn Hợp tiểu đoàn phó TĐ2/TQLC cũng được điều động về nằm chung với BCH/LĐ. Một biến cố đã xảy ra thật quan trọng là một trung đội đặc công VC đã xâm nhập và chiếm được một số vị trí của đơn vị phòng thủ, với ý địch cắt đứt mọi tiếp viện từ ngoài vào để tung quân tràn ngập BCH/LĐ. Tuy nhiên, địch cũng đã bị chận lại và sau đó một đại đội TĐ7/TQLC tới giải tỏa, địch tử thương một số, phần còn lại đầu hàng. Tất cả chúng thuộc SĐ/324B có nhiệm vụ tiến đánh LĐ147. Lữ Đoàn đã có lệnh di tản chiến thuật từ quân đoàn nhưng lệnh nầy chỉ phổ biến đến cấp tiểu đoàn trưởng mà thôi. Lý do thật giản dị là cố gắng duy trì tinh thần chiến đấu của các đơn vị hầu đủ thời gian sắp xếp cho một kế hoạch rút lui. Đại đội A Viễn Thám của Đ/úy Hiền đã được lệnh lên đường tìm hiểu tình hình địch nhưng tất cả lọt vào vòng vây địch, một số bị bắt trong đó có ĐĐT nên Lữ Đoàn không nhận được một tin tức nào cả. Theo kế hoạch B52 sẽ thả bom trước ở 2 mặt phía Nam Bắc và Lữ Đoàn sẽ bắt đầu di chuyển ra khỏi căn cứ lúc 08 giờ tối, theo thứ tự TĐ4, TĐ7, BCH/LĐ và pháo binh, TĐ2 đi đoạn hậu. Tất cả khẩu pháo binh cùng đạn dược và lương thực dự trử bỏ tại chổ. Trong đó có gần 60 thương bệnh binh cùng nhiều tử thi đã bị thối rữa trong nhiều ngày. Một số tù binh CS cũng bị ta còng tay nhốt trong các hầm trú ẩn gần đó. Trước giờ ấn định tình hình đã biến đổi khác thường một cách thật nhanh chóng. ĐĐ5/TĐ2/TQLC do tôi chỉ huy đã bị cô lập tại chổ trong mấy ngày liền không được tải thương và tiếp tế. Tất cả điểm có nước dưới chân đồi đều bị bao vây chế ngự. Trời tháng 3 với những cơn gió nắng rát miền Hạ lào cùng những đợt tấn công pháo kích liên tiếp của địch đã không làm nản đi ý chí quyết sống của chúng tôi, vì chẳng ai còn cách nào chọn lựa khác hơn là "PHẢI SỐNG" để được trở về bằng chính sức lực của mình. Đó là vào những ngày cuối của cuộc hành quân 21, 22/3/1971. Chúng tôi được lệnh lui binh về gần BCH hơn ...để tránh thiệt hại. Th/úy Kim trung đội trưởng vũ khí nặng cùng hạ sỉ Nghạch đã bị tử thương sau một loạt pháo kích bằng súng cối 82 ly của địch vào vị trí. Trong khi có tiếng chiến xa địch từ xa, bắt đầu mon men vào tuyến. Đó là lúc 5 giờ chiều ngày 22/3/71 và BCH/LĐ đã rút lui trước sớm hơn dự định. Đại đội tôi được lệnh di tản sau đó một tiếng đồng hồ khi chiếc T54 đầu tiên của CS bị hạ bằng khẩu SKZ 57 ly từ tay Tr/sĩ I Nguyễn Tế. Giọng Th/tá Phúc vang lên trong máy ra lệnh cho tôi '"anh phải cho con cái move down south gấp ". Bật chạy ra khỏi hầm trú ẩn. Tôi hô to "Đ/úy Tiền ĐĐT/ĐĐ5/TĐ2/TQLC đây, các anh hãy theo tôi", vẫn cứ thế tôi mãi lải nhải vào tận phía trong. BCH/LĐ trống vắng, mùi thúi rữa của tử thi nơi những chiếc poncho bọc kín không được tải thương trong nhiều ngày, vài chục người trong toán lính bị thương còn lại đang hờn trách cấp chỉ huy, tôi vẫn hô to "Đ/úy Tiền đây, các anh hảy theo tôi" giọng Hạ sĩ Báu người lính gan dạ của đại đội tôi bị thương vào chân hôm qua khóc to nhất "chân em bị gãy làm sao chạy được ông thầy". Nước mắt tôi tuông chảy, miệng lẩm bẩm "đành chịu vậy thôi! chứ biết làm sao bây giờ" trong khi đèn chiến xa địch bắt đầu soi sáng và bắn nả theo lên đồi căn cứ. Không thể chần chờ được nữa, có tiếng hô to của giặc phía sau "Hàng sống chống chết", tôi và 2 hiệu thính viên: Đặng Phước Thành và Nguyễn Văn Chúc cùng nắm giây leo trên đỉnh dốc đá thẳng đứng "một, hai, ba, ò e con ve đánh đu, tarzan nhảy dù", chiếc dây qúa tải bị đứt nửa chừng thầy trò rớt chồng lên nhau trên mặt đất.Tay mò mẫm khắp nơi trên cơ thể, đứng lên ngồi xuống, mới yên tâm là mình còn đủ sức để mưu sinh thoát hiểm.Chúc nhe hàm răng vàng óng ánh "Có ông bà độ đó ông thầy". Tôi tập hợp tại chổ được vài ba chục mạng người, gồm nhiều đơn vị khác nhau. Tôi ra lệnh là muốn sống phải theo tôi và tuyệt đối giữ kỷ luật khi di chuyển. Th/tá Phúc (TĐT) và Đ/úy Hợp (TĐP) vẫn lên máy điều động và hướng dẫn chúng tôi theo nhiều trái sáng liên tiếp được bắn lên từ KOROC. Không cần xử dụng bản đồ và địa bàn, chúng tôi cứ nhắm hướng có trái sáng mà đi tới. Khoảng hơn nửa đêm về sáng, chúng tôi lọt ngay vào vòng địch có tiếng hô to của người lính gác: "các đồng chí đi đâu về khuya thế.?". Toán đi đầu hốt hoảng dội ra, nhanh ý tôi điều động anh em đi hướng khác. Sáng hôm sau, trời nắng đẹp bầu trời xanh thẫm, ra khỏi khu rừng rậm là những dãy đồi tranh đầy cỏ dại loang lỗ nhiều hố bom chạy dài xa tít. Hạ sĩ Thất vẫn còn mang chiếc máy truyền tin trên lưng chạy đến tìm tôi khóc mếu máo: "Đại bàng ơi.! Th/úy em chết rồi ". Đinh Hồng Lạc là sĩ quan trẻ thâm niên nhất trong đại đội tôi, đẹp trai với làn da trắng mịn như con gái, người Cần Thơ và rất mùi với 6 câu vọng cổ.Chính mắt tôi thấy anh ngã gục khi có lệnh của tôi, vừa vọt ra khỏi miệng hầm, một viên đạn thượng liên trên pháo tháp xe địch đã xuyên qua màng tang. Xác anh nằm vắt ngang bên vệ đường. Chiếc đầm già L19 xuất hiện quan sát bao vùng cùng vài chiếc trực thăng võ trang của Mỹ đã làm chúng tôi an tâm hơn. Trái khói vẫn tiếp tục bắn chỉ điểm nơi điểm hẹn. TĐ3/TQLC Sói biển được điều động từ KOROC tới để cứu nguy cho chúng tôi. Địch tốc tới, tiếp tục tấn công vào bải bốc tại điểm tập trung nầy, phi cơ Mỹ chỉ có thể tản thương được một vài đợt đầu tiên, sau đó với sự chiến đấu gan dạ của TĐ3 chúng tôi tiếp tục di chuyển tiếp đến một địa điểm an toàn khác. Tập họp lại khi về đến Khe Sanh đại đội tôi chỉ vỏn vẹn còn vài chục chục thầy trò, phải mất gần 1 tuần lễ sau, những toán thất lạc lần lượt được các trực thăng Mỹ chở về. Đại đội tôi mất đi gần phân nửa, một hao hụt qúa lớn lao. Bộ tư lệnh QUÂN ĐOÀN I đã vinh danh chiến thắng HẠ LÀO bằng một cuộc diễn binh rầm rộ tại PHÚ VĂN LÂU, nhiều huy chương và thăng cấp cho các quân nhân tham dự. Trong đó có các đơn vị trưởng tại chiến trường. Th/tá Phúc và Đ/úy Hợp của TĐ2/TQLC cũng không ra ngoài ngoại lệ đó. Còn tôi và Đ/úy Lâm Tài Thạnh ĐĐT/ĐĐI mỗi người một Đệ Ngũ Bảo Quốc Quân Chương với nhành dương liễu. Ngày nay khi ngồi hồi tưởng lại mặt trận Hạ Lào, bao hình ảnh thân thương của những người lính trong đơn vị như còn lảng vảng đâu đây. Th/úy Nguyễn Kim đã chết bất ngờ trong giờ phút cuối khi chỉ mơ ước về đúng lúc ngày đứa con đầu lòng được chào đời. Th/úy Đinh Hồng Lạc không còn nữa để nàng con gái Kim Oanh bên dòng sông Kiên Long mòn mỏi chờ đợi. Chuẩn úy Lê Văn Quế và Tr/sĩ I Tế đã lạc lỏng đâu đó trong rừng Hạ Lào không có mặt khi về lại Khe Sanh. Hạ sỉ Báo, Tr/sĩ Được, binh nhì Ngô Văn Lẹ và bao nhiêu người thương binh khác đã ra sao.? Khi những trận bom liên tiếp dội xuống căn cứ Delta sau khi đoàn quân ta đã di tản. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến thắng tại các chiến trường Kampuchia, An Lộc, Quảng Trị nhưng rõ ràng chúng ta không thắng tại Hạ Lào. Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, Ai nên khôn mà chẳng dại một... đôi lần Đã đến lúc chúng ta hảy trả lại SỰ THỰC cho LỊCH SỬ, mặc dầu đó là một sự thực đau lòng. Tôi xin ghi lại câu nói "để đời" của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, người chịu trách nhiệm chỉ huy tổng quát của cuộc hành quân nầy với Đại Tá Hoàng Tích Thông LĐT/LĐ147/TQLC: "Sao Thủy Quân Lục Chiến, nó về được nhiều thế nhỉ.!." ARLINGTON, tháng 10-2003 MX Phạm văn Tiền. http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=16980&page=6
Quân lực Việt Nam Cộng hòa Quân lực Việt Nam Cộng hòa Không Quân VNCH và Chiến trường An lộc Trần Lý Những con số thống kê : Trận An lộc đã được ghi vào Chiến sử cũa Quân lực VNCH như một chiến thắng lẫy lừng, ngăn chặn được cuộc tấn công của CSBV trong Mùa Hè 1972....Sách báo Việt-Mỹ đã viết khá nhiều về sự chịu đựng và khả năng của các đơn vị Nhảy dù, Biệt cách Dù, Bộ binh, Thiết giáp nhưng ch đã đề cập đến vai trò của KQVNCH trong trận An Lộc bằng những con số khô khan.. - Tập Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa ( trang 176) ghi : ..’ Tại Vùng 3, An Lộc đứng vững một phần không nhỏ nhờ công lao và sự hy sinh xương máu của các phi hành đoàn trực thăng UH-1 và CH-47 trong suốt hơn hai tháng tử thủ. Ch riêng tại hai chiến trường KonTum và An Lộc, lưc lượng trực thăng của KQVN đã bị thiệt hại tới 70%, gồm 63 chiếc UH-1 bị rớt vì phòng không địch + 391 chiếc khác bị trúng đạn hư hại nặng..’ Và các nhà Quân sử KQ hình như đã ‘quên’ không nhắc đến các hy sinh của những Phi đoàn khu trục A-1, F-5 và của những Phi đoàn Vận tải C-123..chưa kể đến các chiến công thầm lặng của các EC-47, của các nhân viên chất hàng để thả dù tiếp tế cho An lộc.. - Tập sách tài liệu của KQ Hoa Kỳ ‘Air Power in Three Wars’ do Tường KQ William Momyer viết (trang 330-332) ghi : ‘..Cộng quân siết chặt vòng vây quanh An lộc và ch còn một đường duy nhất để tiếp tế cho Lực lượng trú phòng VNCH là dùng các phương tiện của Không quân. Lúc đầu chúng ta thử sử dụng các trực thăng CH-47 để chuyển đồ tiếp liệu, nhưng phòng không của địch đã khiến không thể dùng trực thăng. Địch quân đã đặt súng phòng không dọc theo các hàng cây nên rất khó oanh kích: các xạ thủ CS thiết lập các vị trí súng máy trên các cành cây cao và nhắm bắn rất chính xác vào các bãi đáp của trực thăng..Khi tình hình tiếp vận trở nên căng thẳng hơn, các phi cơ C-123 của KQVN đã bay vào và dùng phưong pháp thả dù tiếp liệu bằng dù ở cao độ thấp, nhưng phòng không dầy đặc đã khiến phương pháp này phải ngưng sau 3 tuần..Sau khi các C-123 rút lui, việc tiếp tế đã phải giao lại cho Không đoàn 7 Hoa Kỳ..dùng các C-130s..’ ‘..trung bình mỗi ngày, 185 phi suất dành cho việc phòng thủ An lộc. Các phi suất này thường phát xuất từ Biên Hòa và từ các căn cứ đặt tại Thái Lan, đa số là do các F-4. KQVNCH bay mỗi ngày 41 phi suất : Hỏa tiễn SA-7 và Súng phòng không CQ đã buộc các A-37(của KQHK) phải thả bom ở cao độ cao hơn F-4 rất nhiều..’ - Tập Quân sử của Không Quân Hoa Kỳ : The Vietnamese Air Force, 1951-1975, An Analysis of its Role in Combat’ ch tóm lược cuộc chiến Mùa Hè 72 bằng các con số ‘khô khan’ hơn : Thống kê ‘Trận chiến mùa Hè’ 31 tháng 3 đến 30 tháng 4 năm 72 : Không Quân VNCH : - Số các phi xuất oanh kích yểm trợ bộ binh : 4651 - Số các phi suất ngăn chặn 340 - Số các phi suất thám sát 474 - Số các binh sĩ chuyển vận 40,484 - Số tiếp liệu chuyển vận 3,388 tấn - Số phi cơ thiệt hại 36 chiếc - Số phi cơ sử dụng 1366 - Số quân nhân tham chiến 47, 000 (Cần ghi nhậnlà Trận An lộc ch chính thức bắt đầu vào 5 tháng 4 và chấm dứt vào tháng 6-1972) Trong một thống kê khác, có phần chính xác hơn đã ghi : Khi Cộng quân mở cuộc tấn công Hè-1972, KQVNCH có 1285 phi cơ, tổ chức thành 44 phi đoàn. 9 Phi đoàn khu trục bay các loại A-1, A-37 và F-5, tổng cộng có 119 chiếc khả dụng để oanh kích. 2 Phi đoàn Vận tải chiến đấu AC-47 và AC-119 với 28 phi cơ trong tình trạng hoạt động được. 17 Phi đoàn trực thăng với 367 chiếc khả dụng trong số 620 chiếc. 7 Phi đoàn quan sát tiền tiêu bay các loại O-1 và U-17 trong đó 247 chiếc khả dụng trong tổng số 303 chiếc.. Vai trò của Không quân : Nhiệm vụ chính của Không Quân VNCH trong Trận An lộc gồm : - Yểm trợ Chiến trường cho quân trú phòng bằng các phi cơ khu trục, có sự điều hành , hướng dẫn của các phi cơ quan sát. - Chuyển quân và chuyên chở các phẩm vật tiếp liệu bằng các trực thăng cơ hữụ - Thả dù tiếp tế bằng các phi cơ vận tải (sau khi CQ đã thiết lập hệ thống phòng không ngăn chặn sự tiếp vận bằng trực thăng) - Theo dõi các cuộc liên lạc viễn thông, điện đàm của các đơn vị CQ bằng các Phi cơ tình báo điện tử. Các đơn vị KQ yểm trợ cho Chiến trường An lộc : - Sư Đoàn 3 Không Quân VNCH, bản doanh tại Biên Hòa, là đơn vị KQ chính có nhiệm vụ yểm trợ cho Chiến trường An lộc. Sư đoàn trưởng là Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn phó : Đại tá Nguyễn văn Tường. Thiếu tá Nguyễn văn c là Sĩ quan Đại diện cho Không đoàn 43 Trực thăng bên cạnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và chịu trách nhiệm điều hành công việc chuyễn quân và tản thương. Các lực lượng chính của SĐ 3 KQ là : - Không đoàn 43 Chiến Thuật gồm 4 Phi đoàn trực thăng UH-1 : 221 (Lôi Vũ) , 223 (Lôi điểu), 231 (Lôi vân), 245 (Lôi bằng) ; 1 phi đoàn Chinook CH-47A : 237 (Lôi thanh) và 1 phi đội trực thăng tản thương UH-1 : 259Ẹ - Không đoàn 23 Chiến thuật với các Phi đoàn Quan sát 112 và 124; Các Phi đoàn khu trục A-1: 514 và 518 , Phi đoàn F-5 :522. - Sư đoàn 5 KQ tại Tân Sơn Nhất gồm - Không đoàn 53 CT với các Phi đoàn 413 (C-119 G), các Phi đoàn C-123 (PĐ 421, 423 và 425). - Không đoàn 33 CT với Biệt đội Trinh sát điện tử 716 (EC-47) Trong giai đoạn giải tỏa An lộc KQ VNCH có huy động thêm một số phi công tăng phái từ SĐ 4 KQ thuộc PĐ 116 để bay các phi vụ quan sát chiến trường do PĐ 112 sắp xếp. Ngoài ra một số phi vụ chuyển quân của các đơn vị BB tăng viện từ SĐ 9BB và SĐ 21BB đã được các trực thăng thuộc các PĐ211 và 217 thuộc KĐ 84/ SĐ 4 KQ thực hiện.. Diễn tiến Trận đánh An lộc : (Trận An lộc đã được nhiều Nhà quân sử ghi chép lại với rất nhiều chi tiết về những cuộc đụng độ của các đơn vị bộ binh và thiết giáp của VNCH và Cộng quân, cùng các hoạt động yểm trợ của Không quân Việt Mỹ . Trong phạm vi bài này, chúng tôi ch ghi lại những hoạt động của KQ VNCH) CS BV đã chính thức mở màn Chiến dịch mùa Hè 1972 của họ tại vùng 3 Chến thuật vào ngày 2 tháng 4; 60 giờ đồng hồ sau cuộc tấn công đầu tiên tại Vùng 1 CT và gần như cùng một lúc với các cuộc tấn công thăm dò tại KonTum (Vùng 2), khi dùng bộ binh và chiến xa tràn ngập Căn cứ hỏa lực Lạc Long, gần biên giới Kampuchea, cách Thị xã Tây Ninh khoảng 35 km về phía Tây Bắc. Căn cứ này do Trung đoàn 49BB/ SĐ5 trấn giữ. Trung tướng Nguyễn văn Minh Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH phản ứng bằng cách cho rút tất cả các đơn vị hoạt động trong vùng biên giới Việt-Miên để thiết lập một tuyến phòng thủ mới quanh Tnh lỵ Tây Ninh (mà Ông nghĩ sẽ là mục tiêu tấn công của CQ), do đó CQ đã có thể chuyển quân dễ dàng trong vùng. Tiền đồn duy nhất còn lại là Căn cứ Tống Lê Chân do TĐ 92 BĐQ biên phòng trấn giữ, lý do là Ch huy Căn cứ không chịu rút vì sợ sẽ bị CQ phục kích tiêu diệt (và Tống Lê Chân vẫn còn trong tay QL VNCH cho đến khi ký Hiệp định Đình chiến tháng Giêng năm 1973) .Lực lượng BĐQ tại Căn cứ Thiện Ngôn tuân theo lệnh rút quân của Tướng Minh đã bị phục kích và mất toàn bộ các quân xa và vũ khí nặng. Cộng quân đã để tại chỗ các chiến lợi phẩm, không cần thu dọn chiên trường vì đã đạt được mục tiêu nghi binh của họ..An lộc, thay vì Tây Ninh sẽ là điểm tấn công để tạo một thủ đô cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Chiêu bài của CSBV) Các trận tấn công tạo hỏa mù tại Tây Ninh đã giúp Công trường 9 CSBV di chuyển một cách bí mật về Vùng 708 tại phía Tây Bắc An lộc. Trong khi đó CT 5 CS đã tập trung sẵn quanh Lộc Ninh và CT7 đã ở trong vùng Nam An lộc để cắt đứt Quốc lộ 13.. Trận An lộc bắt đầu vào sáng sớm ngày 5 tháng 4 khi CQ pháo kích vào Tnh lỵ, đồng thời tấn cống thăm dò Phi trường Quản lợi, nằm về phía Đông Bắc An lộc khoảng 7 cây số. Đơn vị BĐQ trú đóng tại Phi trường đã buộc phải rút lui cùng với các Cố vấn HK. Các chiến sĩ còn trụ lại ch giữ được phi đạo đến hết ngày 6 tháng 4. CQ chiếm khu vực phi trường và cắt đứt Quốc lộ 13, về phía Nam An lộc. Công việc tiếp vận cho quân trú phòng phải tùy thuộc vào trực thăng và thả dù. Trong khi CQ cô lập hóa An lộc, họ đã thanh toán các tiền đồn tại Lộc Ninh. Sáng 5 tháng 4 CQ đã bao vây chia cắt quân trú phòng thành 2 nhóm. Sự can thiệp của Trực thăng võ trang HK đã giúp kéo dài sự cầm cự. Các phi cơ phóng pháo đã thả những quả bom chùm chống bộ binh để ngăn chặn CQ. Các AC-130 võ trang cũng tạo những lưới lửa để giúp các đơn vị trú phòng chống trả các đợt tấn công của CQ có xe tăng yểm trợ. Khi CQ tấn công Lộc Ninh, QĐ 3 VNCH đã phản ứng bằng cách gửi Chiến đoàn 52 (SĐ5 BB) gồm 2 Tiểu đoàn BB (TĐ1/52 và TĐ 1/48) tấn công tái chiếm 2 Căn cứ hỏa lực đã rút bỏ trước đó gần giao điểm của các Quốc lộ 13 và 17 ỡ giữa đường từ An lộc đến Lộc Ninh. Ngày 6 tháng 4, một TĐ được lệnh tiếp cứu Lộc Ninh nhưng không vượt nổi chốt chặn của CQ, và sau đó cả Chiến đoàn được lệnh rút về lại An lộc, và sáng 7 tháng 4 Chiến đoàn đã bị CQ phục kích trong khi rút quân. KQ đã phải oanh kích phá hủy 3 đại bác 105 của CĐ để tránh bị CQ sử dụng. CĐ phải tự hủy mọi xe cộ và trang bị để có thể vượt thoát các chốt phục kích của CQ. Một trực thăng bị hạ và 2 chiếc khác bị hư hại nặng..Sáng 8 tháng 4 một lực lượng KQ HK gồm AC-130, Khu trục và Trực thăng võ trang đã phải can thiệp để bốc toán 3 Cố vấn cùng 9 Quân nhân VNCH thoát khỏi vòng vây.. Sau khi Lộc Ninh thất thủ, CĐ 52 bị thiệt hại nặng, Phi trường Quản lợi bị mất, Quốc lộ 13 bị cắt đứt (phía Nam). An lộc được xem như đã bị hoàn toàn vây hãm. - Các Phi vụ chuyển quân và tiếp tế : Sau ngày 7 tháng 4, An lộc đã hoàn toàn bị bao vây và không còn phi đạo tiếp tế. Từ 7 đến 12 tháng 4, tất cả các phi vụ tiếp tế đã được thực hiện bằng Trực thăng và các C-123 của Không Quân VNCH và Hoa Kỳ. (Trong thời gian này , các trực thăng Chinook CH-47 của Phi đoàn 237 VNCH ; các UH-1 của các PĐ trực thăng VNCH có thêm sự trợ giúp của các trực thăng Hoa Kỳ của Phi đoàn 229 HK, đã thực hiện được 42 phi suất chỡ hàng tiếp vận vào An lộc) Trong khoảng thời gian từ 7 đến 19 tháng 4, KQHK và các trực thăng của KQ VNCH, phối hợp với các C-123 đã chở được 337 tấn tiếp liệu vào An lộc..Các phi vụ bay vào An lộc càng ngày càng trở nên nguy hiểm và gần như cảm tử. Hỏa lực của CQ đã gây hư hại nặng cho 3 chiếc UH-1 của KQHK trong lúc đang bốc rỡ hàng hóa.. Các chuyến trực thăng tiếp vận đã phải chấm dứt từ ngày 12 tháng 4 sau khi 1 CH-47 của KQVNCH bị trúng đạn súng cối của CQ bốc cháy và phát nổ khi đáp xuống bãi thả hàng. Các tài liệu của Hoa Kỳ như ‘The Battle of An loc’ của James Willbanks, ‘Airwar over South VietNam 1968-1975’ của Bernard Nalty..đều ghi ngày chiếc CH-47 của VNCH bị rơi là 12 tháng 4, nhưng các bài hồi ký của các phi công trực thăng lại ghi là 13 tháng 4 . Sau đây là một sô đoạn trich từ cac bài viêt cũa những phi công CH-47 Trong bài Phi đoàn 237 CH-47A, tác giả Vũ văn Bảo ghi lại : ‘.. Tình hình chiến sự mỗi lúc một gia tăng và mãnh liệt nhất là trận An Lộc, mùa Hè 72. Mỗi sáng, chúng tôi tất cả các trực thăng thuộc KĐ 43 CT đều sang standby tại Lai Khê chờ lệnh, UH-1 vào trước với các binh sĩ tinh nhuệ Nhảy dù, Chinook vào sau với các khẩu trọng pháo 105 ly ở Đồi Gió, Tàu Ô, Tân Khai, bay cao, bay thấp đều bị bắn bằng đủ loại đạn, nhưng chúng tôi vẫn thi hành các phi vụ được giao phó. 2 Chinook đả tổn thất tại Tân Khai và Tàu Ô là PHĐ của Th/tá Nguyễn hữu Nhàn + Th/úy Đặng Thiên Hiền, cơ phi Ch/úy Kim, áp tải, xạ thủ đều hy sinh và PHĐ của Đ/úy Nguyễn văn Trọng + Th/úy Thanh bị băt và được giao trả năm 73 nhưng cơ phi, xạ thủ và áp tải hy sinh.. một Chinook của Tr/uy Lê quang Tiên và Đặng đưc Cường bị băn cháy trên không, phải đáp khẩn cấp xuống Phi trường An lộc và được gunship bốc cứụ Phi cơ của Tr/úy Sơn và tôi bị trúng 1 viên 12,7 ly thủng bình xăng trái nhưng vô sự vì không phải đạn lửa vả nhiều phi cơ khác bị đạn nhưng không đáng kể..’ Trong các e-mail trao đổi giữa các phi công về ‘Những Kỷ niệm Khó Quên’ trên Diễn đàn Cánh Thép : - Tác giả Vũ văn Bảo : ‘Nhắc đến thứ Sáu 13, tôi lại nhớ đến Đặng thiện Hiền, Hiền rất tin dị đoan, thường hay khai bệnh vào ngày nàỵ Nhưng chính Hiền lại tử nạn, hy sinh vào đúng ngày thứ Sáu 13 cùng với Phi Hành Đoàn của Thiếu tá Nguyễn Hữu Nhàn..’ - Tác giả Vương minh Dương : ‘..chiều hôm trước ngày anh Nhàn và Hiền bị rơi, tôi và anh Nhàn đang ngồi ở bậc thềm hành lang phi đoàn (PĐ) nhìn ra phi đạo 237 nói chuyện sau khi tôi đã cắt bay cho ngày hôm sau và người bay phi vụ này với Hiền chính là tôị Anh chính có việc bận ở Sàigòn nên anh Nhàn túc trực tại PĐ, bỗng nhiên Đại tá Tường lái chiếc xe jeep lùn đến ngay chỗ tôi và anh Nhàn đang nói chuyện và ông hỏi PH đoàn nào đi Lai Khê ngày mai và không hiểu vì lý do gì Ông muốn hoặc anh Chính hay anh Nhàn bay phi vụ ấy, vì anh Chính cưa về nên anh Nhàn nói với tôi : mày để tao bay chỗ của mày...’ - Tác giả Lê Quang Tiên ghi rõ hơn : ..’Bữa đó thứ Sáu 13. Tôi không nhớ rõ tại sao ch có 2 chiếc đi Lai Khê, tôi bay chiếc số 2. Sau khi ăn cơm trưa xong thì chuẩn bị đi vào Tân Khai.. Sau hai phi vụ vào Tân Khai, tôi bay số 2, tiếp tế và di tản dân tỵ nạn, tôi vào số 2, bị pháo quá nên không bốc dân thường được, bị Th/tá Nhàn la quá trời..Đến phi vụ thứ 3, sau khi Ddại bàng 1 đổ xăng xong, không biết tại sao, sàng qua câu hàng, mãi hồi lâu không câu đưôc, thì Th/tá Nhàn bảo tôi : Tiên mày qua câu đi.. Tôi bay qua câu kiện hàng đó rồi đi trước và thành chiếc số 1 vào Tân Khai.. Tôi đáp vào Tân Khai, bốc dân và ay ra thì cross Th/tá Nhàn bay vàọ Tôi mới lấy cao độ thì nghe T/t Nhàn nói là : Tiên ơi, tao bị bắn rồi.. Tôi liền vào Tân Khai trở lại, thấy Đại bàng 1 đang bay thật thấp như thường lệ, không có gì khác biệt. Tôi liền gọi T/T bị bắn có sao không ? Không có tiếng trả lờị Tôi liền vòng sang phải sau Đại bàng 1 và nói T/T có sao không, đáp đi, tôi ở phía sau nè..Vẫn không có tiếng trả lờị Bay như vậy độ 1 phút và tôi tiếp tục gọi.. Bỗng dưng Đại bàng 1 go vertical, tôi chưa từng thấy, thẳng lên trời..rồi loss air speed, roll và đâm vertical xuống đất bùng nổ.Tôi liền gọi Mayday và không lâu sau toán rescue của Mỹ tới..’ Các CH-47 cũa KQVN cũng có nhiệm vụ đưa các khẩu đại bác 105 ly vào vùng hoạt động của TĐ 6 ND.. Tác giả Đỗ đức Thịnh thuộc LĐ81BCND trong bài ‘Hai tháng Tử thủ An lộc’ viết : ..’Nhịp độ pháo của địch tăng mạnh khi các Phi vụ Hõa long và AC-130 rời vùng. Tại Đồi Gió, nằm ở hướng Bắc của Đồi 169 cách khoảng 3 km do đơn vị Pháo binh và TĐ 6ND đang lập tuyến phòng thủ cũng không may mắn gì hơn. Họ đang hứng chịu trận mưa pháo tập trung tới tấp khi hai chiếc trực thăng Chinook đang cố tiếp viện cho họ hai khẩu đại bác 105 mm. Tôi nhìn khẩu đại bác móc tòn ten phía dưới bụng chiếc trực thăng đang cố đáp, tụi tiền sát viên phác của CQ đã điều chnh những quả đạn khá chính xác vào ngọn đòi ấỵ Từng bựng lửa, bụi đỏ tung lên dưới thân tầu làm cho hai chếc trực hăng bốc lên cao hơn, pháo ngớt hai chiếc trực thăng lại từ từ hạ thấp, cứ thế trong vòng 15 phút hai chiếc trực thăng không thể nào thả hai khẩu đại bác xuống và đành phải bốc lên cao..và bay về phía Lai khê..’ Sau các cố gắng, 6 khẩu 105 mm nòng ngắn cũng đã được đưa đến cho TĐ 6 ND nhưng sau đó cả 6 khẩu này đã bị CQ pháo kích hủy diệt. Không Quân VNCH đã buộc phải dùng các C-123 và một số ít C-119 đã tìm cách thả các kiện hàng ở cao độ thấp từ 700 đến 5000 ft, dưới hỏa lực phòng không dảy đặc của CQ Các phi vụ thả hàng được thực hiện vào ban ngày, đường bay vào An lộc đều từ hướng Nam, dọc theo Quốc lộ 13. Khi thả ở cao độ 5000 ft, đa số các kiện hàng bị lạc vào vùng kiểm soát của CQ. Trong hai ngày, các phi cơ VNCH đã thả được 27 chuyến với 135 tấn tiếp liệu nhưng ch 34 tấn đến được tay lực lượng trú phòng. Ngày 15 tháng 4. một C-123 bị hạ, toàn bộ Phi hành đoàn hy sinh.. và sau đó, ngày 19 tháng 4, một C-123 khác, chở đạn tiếp vận đã trúng đạn phòng không của CQ và nổ tung.. Không Quân VNCH và Chiến trường An lộc P2 http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=16980&page=10 Các trường hợp hy sinh của 2 Phi hành đoàn C-123 tại An Lộc được Phi công HungPhan ghi lại như sau : - Phi đoàn 425, C-123 K, Tail code xH. Ngày 15 tháng 4, 1972 ; Trung úy Phạm văn Công (Trưởng phi cơ) Tr/úy Hồng, Hoa tiêu phó T/T Sét Điều hành viên - Phi đoàn 425, C-123 K, Tail code xL. Ngày 19 tháng 4, 1972 : Thiếu tá Nguyễn thế Thân Phi đoàn trưởng , Trưởng phi cơ T/u Quách Thanh Hải, Hoa tiêu phó Thượng sĩ Mã Hoàng, Cơ phi Đ/u Ngân, Đ/u Trọng Điều hành viên Thượng sĩ Thượng, áp tải Phi công HungPhan cũng ghi lại :..Khi đụng đến An lộc, không có chuyện bay thấp bay cao gì nữa, bay cỡ nào cũng đụng phòng không mà lại phòng không hạng nặng, vừa nặng vừa nhiều ! Chúng tôi đã chất đầy những kiện hàng tiếp tế từ sáng sớm, để ngồi đó, để stand by dưới sức nóng của Hot cargo, nơi đầu phi đạo 25RH, nhìn những con chim sắt khổng lồ C-130 của USAF hốt hoảng, tả tơi bay về đáp dưới hai hàng xe cứu hỏa chạy theo, có chiếc bị bắn bể bánh mà không biết, có chiếc đầu cánh đã văng đâu mất tiêu, chúng tôi nhìn nhau ngao ngán..Mẹ ! nó bay nhanh hơn mình, nó thả cao hơn mình.. Thú thật tôi đã thở dài và rất thoải mái khi được lệnh hủy bỏ phi vụ..’ Ngày 15 tháng 4 1972, phi vụ của Phạm văn Công..không bị hủy bỏ..đem tàu qua Hot cargo từ 5 giờ sáng, 5 chiếc C-123K của KĐ 53/CT đã chất đầy hàng và sửa soạn cất cánh thì được lệnh stand by vì B-52 sắp trải thảm, rồi đến C-130 của US được ưu tiên.. Và Tr/úy Châu đức Tánh kể lại : ‘ Có thể nói là Công lùn chết trước mũi của tôi, từ sáng đến trưa, hàng loãt C-130 của USAF từ An lộc về, đều đáp trong tình trạng khẩn cấp. Đến 3 giờ chiều thì chúng tôi được lịnh cất cánh. Tôi mang danh hiệu Bookie 03, Công là Bookie 04. Chiếc số 2 thả xong, tôi bắt đầu xuống. Từ lâu đã đọc qua sách báo, mãi đến bây giớ tôi mới biết thế nào là đạn ‘bắn lên như đan lưới’. Trên tần số, Công la um sùm : ‘ĐM, nó bắn mày đó Tánh !..’ Tôi vừa run vừa cắn răng lo điều khiển phi cơ vào đúng toạ độ thả..’ Mày im đi, tao biết rồi, nó bắn từ khi mình bắt đầu xuống lận..’ Sau khi thả xong hàng, tôi kéo phi cơ lên gần như là triệt nâng, vừa quẹo phải để tránh vùng oanh kích của B52, có lẽ tôi là người được nghe giọng nói cuối cùng của Công : ‘ Tao vô đây Tánh, Bookie 04 in..’ Khi tôi vừa chuyển sang tần số emergency thì nghe : ‘Chết ! chết rồi ! Bookie 04 cắm đầu xuống luôn rồi..’ Các C-123 là các phi cơ vận tải tốt nhất mà KQVNCH đang có (năm 1972) đã không thể vượt nổi lưới đạn phòng không khủng khiếp tại An lộc, nên sau đó các phi vụ tiếp tế đành phải thả dù ở cao độ cao hơn và thực hiện vào ban đêm. Ngày 27 tháng 4, dùng radar dưới đất hướng dẫn, các C-123 VNCH vảo được An lộc, thực hiện phi vụ thả dù nhưng lực lượng trú phòng ch nhận được 5 % số kiện hàng thả xuống. Mãi đến tháng 6/1972 các phi hành đoàn KQ VNCH mới bắt đầu được huấn luyện về phương pháp thả dù do radar hướng dẫn. Chương trình ch hoàn tất vào tháng 9 (sau khi An lộc đã được giải tỏa) Kể từ 15 tháng 4, KQ HK bắt đầu trợ giúp cho công việc tiếp tế bằng cách dùng các C-130 để thả dù cho An lộc, trong phi vụ đầu tiên họ dùng 2 chiếc C-130 dự trù sẽ thả các kiện hàng ở cao độ 600 ft. Chiếc thứ nhất khi bay vào điểm thả đã bị súng phòng không CQ bắn hỏng phần đuôi lái, phi công đành thả..các kiện hàng mang theọ Chiếc C-130 thứ nhì khi bay vào đã bị phòng không bắn gây tử thương cho một nhân viên phi hành và gây cho 2 người khác bị thương. Phi cơ đành phóng thả các kiện hàng để bay về đáp khẩn câp tại Tân sơn nhât. 26 tấn hàng do 2 phi cơ mang theo đã..không đến tay quân trú phòng ! Ngày 16 tháng 4, KQHK dùng 2 C-130 để thả tiếp 26 tấn khác nhưng do trục trặc tính toán nên số hàng này lại.. rơi vào vùng CQ kiểm soát. Ngày 18, một C-130 khác bị hư hại nặng khi dự định thả dù vào sân banh An lộc, phi cơ lết về được vùng Bắc Pleiku nhưng phài đáp khẩn cấp xuống ruộng. Ngày 19, sau khi một C-123 cùa KQ VNCH bị bắn hạ, KQ HK hoàn toàn đảm nhận việc tiếp tế cho An lộc.. Ngày 14 tháng 4 năm 1972, các C-123 của KQVN đã thực hiện một phi vụ đặc biệt tại vùng trời phía Đông Bắc An lộc, trên cao độ ngoài tầm các loại súng phòng không của CQ : thả dù những kiện hàng..toàn nước đá, để khi chạm đất, ch còn những cánh dù và ..hàng tan thành nước, biến mất.. Đây là một trong những phi vụ ‘ bí mật’ nhất trong Chiến tranh Việt Nam. Trước đó, ngày 13, Bộ TTM QL VNCH trong một cuộc họp báo công khai tại Sàigòn đã cho biết sẽ thả dù một lực lượng Biết kích Dù vào vùng chì cách An lộc 5 km để ‘bắt sống’ Chính phủ MTGP đang ở trong khu vực.. Tin tức này đã khiến Cộng quân cấp tốc cho di chuyển Trung đoàn 141 (CT 7 CS) đang bố trí ở Ấp Srok Gòn về vùng cần bảo vệ cho Cục R . Việc di chuyển này đã khiến CQ bỏ trống một vùng gần 4 km vuông trong vùng Đông-Nam An lộc, giúp việc đổ quân tiếp viện bằng trực thăng của VNCH được an toàn : Lực lượng Nhày dù (Lữ đoàn 1) vào các ngày 14 và 15; và Biệt cách Dù (Liên đoàn 81) vào ngày 16 tháng 4, 1972 được an toàn..Lực lượng tiếp viện này lên đến gần 4000 binh sĩ thiện chiến. Ngoài các Chinook CH-47, các UH-1 của các Phi đoàn trực thăng 221, 223.. cũng đã đóng góp rất nhiều vào các cuộc chuyển quân, chuyên chở quân- vật dụng tiếp liệu và tản thương. Trong cuộc đổ quân của LĐ 81 BCND, các chiến sĩ đã được tập trung tại Phi trường Trảng Lớn, sau đó được các Chinook CH-47 của KQVN đưa đến Lai Khê từng toán 40 người và từ Lai Khê được các trực thăng UH-1 cũng của KQVN chuyển tiếp đến một vùng ỡ phía Đông của Đồi Gió và Đồi 169.. Các phi vụ trực thăng UH-1 bay vào An lộc được xem như bay vào ‘cõi chết’ : Tác giả Đào Vũ Anh Hùng đã viết trong bài ‘Đêm chờ Ngưng bắn, Nhớ An lộc’ : ..’ Đạn bắn như mưạ Bắn cùng mọi phíạ Bắn bằng đủ loại phòng không dữ tợn, hỏa tiễn tầm nhiệt, đại bác phòng không, súng cá nhân, 12 ly 7 phòng không chụm lại, trực xạ, đại bác nổ chụp, súng cối rót vào bãi đáp..’ ..’Hợp đoàn 4 phi cơ nối đuôi nhau bay hối hả vòng qua Minh Thạnh vào bãi đáp B15 tứ hướng Tây Nam An lộc năm phút sau trận mưa bom B52 cuối cùng vừa dứt..’..’ Đoàn trực thăng bay thấp, lướt trên ngọn cây rừng theo lệnh ‘C and C’ hướng dẫn : -Hợp đoàn quẹo phải 10 độ. Đi thẳng ! Chiếc số 3 bay nhanh một chút. OK đi thẳng..Bãi đáp 12 giờ, 3 trăm thước. Giảm air speed..coi chừng ! Coi chừng nó bắn phòng không bên trái !.. Tôi nín thỏ. Hợp đoàn đã đến gần bãi đáp. Nhưng trước cả tiếng la coi chừng hốt hoảng của chiếc phi cơ ch huy, tôi thấy điểm sáng dưới lòng một hố bom loang loáng lóe lên cao như chớp kính.. Ố Quẽo phải! Hợp đoàn quẹo phải !..Chiếc số 2 rớt rồi..Số 3 nhanh lên ! Lead quẹo phải 90 độ..bay ra ! Bay ra, đừng đáp.. Tôi kinh khủng..Chiếc số 2 đang bay, đột ngột cắm đđầu lao thẳng xuống triền đòi, lăn long lóc như một cục đá. Một vầng bụi đỏ mù mịt bốc lên và lửa cháy bùng’.. Chiếc phi cơ bất hạnh của Tuân. Cả một phi hành đoàn và 11 người lính bộ binh vào An lộc tiếp hơi cho đoàn người tử thủ đã rơi chết ngon lành khi vừa tới thềm địa ngục..’ ‘..Phi cơ trúng đạn, đồng đội bị chết, bị thương, vẫn phải bình tĩnh bay khỏi vùng kinh khiếp, tìm trảng cỏ giữa rừng đáp khẩn cấp, bỏ tầu, may mắn lắm sẽ được phi cơ bạn nhào xuyên lưới lửa đón về..hay bỏ tầu mà chạy, vượt qua rừng qua bụi trốn tránh kẻ thù tìm vế đất sống..’ những người anh em đã roi vào tay giặc hay ra đi vĩnh viễn cùng với xác tàu vỡ vũn trên cánh rừng cao su tơi tả dày đặc hố bom. Đi không còn ai nghe tiếng nóị Xác rữa, xương khô trắng đến ngày An lộc giải tỏa, bạn bè ngậm ngùi đem về những mảng xương khô..’ Các chuyến đổ quân của các trực thăng UH-1 của KQVN, trong giai đoạn tiếp cứu An lộc gặp rất nhiều khó khăn từ khi CQ di chuyển các lực lượng phòng không của chúng chặn kín các đường bay vào An lộc.. Tác giả Hoài Duy trong ‘Chia nửa Vầng trăng : Hồi ký Trận An lộc’ ghi lại : (trong cuộc tăng viện của SĐ 9 BB VNCH) ..’ Chúng tôi, Trung đoàn 15, SĐ 9 BB từ Tân Khai đánh lên..Kế hoạch thay đổi sau hai lần máy bay đổ TĐ 3/15 vào thẳng An lộc..Đến địa điểm nhưng trực thăng không thể hạ xuống : lý do đổ xuống nhưng sẽ không kịp cất lên trước rừng pháo phòng không chào đón !..’ Đại đội tôi, quân số tham chiến 94 người sẽ xuống trước, kế tiếp ĐĐ2. Bốc lên đồng loạt đi vào mục tiêu, máy bay hạ thấp dưới ngọn cây, bay xà nhanh theo Quốc lộ 13 để tránh tầm pháọ Chúng tôi chuẩn bị nhẩy khi thấy mái ngói nhà. Đạn phòng không nổ chập chùng ở dướị Đoàn phi cơ tự dưng bẻ quặt một đường và cất lên caọ đổi hướng. Tôi biết có điều không ổn..Máy liên lạc..Không xuống được..Các anh xuống được..nhưng trực thăng không thể cất lên kịp được..Ch làm mồi cho pháo..’..’Lần thứ 2, máy bay Mỹ, Phi hành đoàn Mỹ..Lập lại, cũng thế thôi ! KQ làm nhiệm vụ của họ.. Kế hoạch hành quân thay đổi.. Đơn vị xuống phía Nam An lộc 13 km và tiến quân cả ngày lẫn đêm, chạm lớn, chạm nhỏ.. Cuộc tiến quân của TĐ 3/15 bị ngưng chặn trước ngưỡng cửa An lộc, cách TĐ8 ND chừng 700m. CQ chen vào giữa chận đứng. Hai TĐ chưa bắt tay được nhau trong suốt 20 ngày.. Tác giả Hoài Duy ghi tiếp : ‘ Một ngày ở tháng 6. Hành quân bung rộng tuyến phòng thũ, ở một phía trừng bên kia đòị Một vận tải cơ của Mỹ rớt nằm trơ đó. Một trực thăng VN tìm thấy hôm sau cũng gần khu vực trên. Tôi nghĩ có lẽ cả hai chiếc rơi trong những ngày đầu cuộc chiến Riêng chiếc trực thăng, đầu máy bay hơi chúi về phía trước, hai càng trong thế vững vàng trên mặt đất. Đầu hai người phi công gục xuống, tay buông thõng, xác khô rũ. Phụ xạ thủ và mấy người ngồi trong cũng chung số phận. Chết đã lâu, không còn mùi.. Tôi nhận diện đơn vị mấy người ngồi trong lòng máy bay qua phù hiệu của SĐ BB. Trong đó có một xác người còn máy ảnh trên vai, một máy quay phim rớt trên sàn và mấy thước phim..Chiều hôm đó, tôi được biết một trong 2 phi công là Thiếu úy, con của một Bộ trưởng Phủ TT. Lệnh từ Saigon yêu cầu Trung đoàn giúp đỡ đưa xác nạn nhân rạ Và người mang máy ảnh, trên miệng túi áo tên Bình..Sau này tôi mới biết là Nguyễn Ngọc Bình, phóng viên điện ảnh..’ (Chiếc trực thăng này bị hạ ngày 1 tháng 5 năm 72 khi bay thấp để tránh đạn phòng không nhưng đã nổ vì trúng B-40 của CQ bắn từ các xạ thũ bị cột ngưòi trên ngọn cây) Từ ngày 11 tháng 4, CQ bắt đầu sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 tại chiến trường An lộc.Hõa tiễn đầu tiên đạ nhắm bắn vào các phi cơ quan sát FAC của Hoa Kỳ nhưng không trúng mục tiêu.. - Các phi vụ yểm trợ cho quân trú phòng : Trong trận An lộc, KQ VNCH đã sử dụng các phi cơ A-1 và F-5 để oanh kích, yểm trợ cho các đơn vị trú phòng chống trả các đợt tấn công của Cộng quân và hủy diệt nhiều xe tăng, thiết giáp của Cộng quân. Một số Skyraider đã bị hạ vì trúng đạn phòng không vả hỏa tiễn SA-7 của CQ. Một báo cáo mật được nhiều Cố vấn Mỹ ghi lại trong những bản tổng kết về chiến trường An lộc : .. Passed following info to T30 Arcraft downed in the An lộc area (TRAC log of 6 June) : - VNAF UH-1 , 1 km South of An lộc - XT 778888 US C-130 3 May - XT 732912 US A-37 11 May - XT 764875 2 US FAC 11 May - XT 775875 AH-1 G 11 May - XT 748868 VNAF A-1 E 13 May - XT 810075 VNAF UH-1 13 May Trường hợp hy sinh của Đại úy Nguyễn Cao Hùng, thuộc PĐ 518 được Tác giả Đào Vũ Anh Hùng ghi lại như sau : ..’ Hôm 20 tháng 5, tôi bay quần quần phía Đông Tân Khai chờ 4 phi tuần khu trục săn hạ hai chiếc xe tăng VC trốn dưới gầm cầu xe lửa và khóa họng nhựng ổ phòng không, dọn đường cho tôi dẫn hợp đoàn vào đáp.. Tôi bay trên 5000 bộ, theo dõi từng chiếc Skyraider nhanh nhẹn luân phiên đâm bổ xuống mục tiêụ Bỗng một chiếc AD6 vừa thả xong 2 trái napalm, vút ngược lên cao..Tôi thấy một tia khói cuộn lên từ bụi cây ên bờ con suối cạn. Chiếc phi cơ bỗng phát nổ..’ Quan sát viên phi hành Lê văn Sùng, trong bài ‘Một thời ốp xẹc’ đã ghi lại trường hợp hy sinh của Phi công Nguyễn Cao Hùng như sau : ..Thuở ấy, Mặt trận Bình Long càng ngày càng khốc liệt.. Phi đoàn 116 của chúng tôi ở Cần Thơ cũng được tăng cường cho PĐ 112 Biên Hòa ba phi hành đoàn để hằng ngày thi hành một số phi vụ do PĐ 112 sắp xếp, hầu hết là được giao cho những phi vụ bay cho mặt trận Bình Long..’ Phi vụ của Quan sát viên Sùng, Danh hiệu Sơn ca 23, do phi công Thành bay hoạt động tại vùng phía Nam An lộc. Sau khi đã hướng dẫn 4 phi tuần khu trục và bắn hết 6 rocket khói đánh dấu mục tiêu, trên đường bay trở về Cần thơ, Khi bay qua Tân Khai đã tình cờ phát giác được 2 chiến xa CQ đang chui nấp dưới gầm cầu xe lửa, anh đã gọi Trung Tâm Hành quân Không trợ 3 và xin phi tuần khu trực. Trong lúc đó trong vùng có sẵn một phi tuần 2 phi cơ A-1 tuy đang được điều động, nhưng FAC Mỹ gần hết xăng, không ch định mục tiêu đánh được và đang tìm mục tiêu giãi tỏa bom đạn...Hai A-1 này do các phi công Nguyễn Cao Hùng (bay số 2) và Nguyễn thế Quy bay số 1. ..’ Số 2 vừa kéo lên break trái, một làn khói trắng dài bay phụt lên, đầu làn khói trắng ấy là một chấm đen, đang quẹo vòng lại đuổi theo phi cơ số 2. Tôi thét lớn SA-7! Số 2 nhảy dù ! số 2 nhảy dù mau..: Không kịp rồi, làn khói đã tới phi cơ, tôi nghe đùng một tiếng thất lớn giữa không trung. Phi cơ anh đã bốc cháy, nhưng còn đang bay lên, tôi thấy một vật đen bay ra khỏi phi cơ, may quá ! Anh đã nhẩy dù ra được rồi..’ Nhưng dù không kịp mở, và xác Phi công Hùng đã được đơn vị BB hoạt động trong vùng tìm thấỵ Phi công Qui, sau này, cho biết thêm : ‘Hôm đó là ngày 20 tháng 5, 1972. Phi tuần Phenix 51 do Qui bay số 1 và Thống (66A) bay số 2 đang túc trực chờ baỵ Hùng tuy đang ngh phép nhưng vào chơi.. và muốn bay cho đỡ buốn. Qui định thêm A-1 để Hùng bay sô 3 nhưng sau đó Hùng đã bay thay Thống..’ Một phi vụ rất đặc biệt đã được một số tác giả như Tướng Mạch văn Trường, Tr/tá nguyễn ngọc Ánh.. viết lại trong tập ‘ Chiến thắng An lộc 1972’ phổ biến trên website là Phi vụ phá Hầm và Chốt Xa cam. Chốt này cách An lộc khoảng 6 km về phía Nam do Trung đoàn 165 Công trường 7 CSBV chiếm giữ, cầm chân các Chiến đoàn 15 và Trung đoàn 33 BB VNCH, cắt đứt việc giải toả An lộc. Tuy toán mật mã của VNCH đã bắt được tần số liên lạc và xác định được vị vị trí của 2 đơn vị CSBV và Bộ Ch huy của CT7 vả yêu cầu HK dùng B-52 để đánh vào mục tiêu, vào những ngày 20 và 22 tháng 3 nhưng bị từ chối (?).. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH đã yêu cầu KQVN dùng các CBU 55 để tấn công vào mục tiêụ Cuộc họp để quyết định dùng CBU có sự tham dự của Tướng Minh, Tư lệnh KQ, Tuớng Tính TL SĐ 3 KQ, Đại Tá Tường Tư lệnh phó SĐ3.. Tướng Huỳnh bá Tính, sau khi bàn thảo với ĐTá Tường đã đề nghị dùng Skyraider của SĐ 3 KQ thả một số CBU trừ bị, còn lại trong kho võ khí của KQVN sau 6 giờ chiều (là giờ các phi cơ HK bay trở về Hạm đội ?).. và phi vụ này sẽ được KQVN ‘âm thầm’ hành động theo kế hoạch riêng, không thông báo cho Hoa Kỳ. Các tác giả ghi lại : ..’ Tại phi trường Biên Hòa, hai phi tuần khu trục A-37 yểm trợ cho 4 khu trục cơ AĐ6 mang 4 quả bom CBU được lệnh cất cánh vào lúc 18 giờ 15 chiều ngày 07 tháng 06 năm 1972 trực ch Xa cam. 18 giờ 30 ngày 07 tháng 06 năm 1972, hai phi tuần A-37 bay trước oanh kích dọn đường cho 4 Skyraider AD.6 tiếp nối theo sau thả liền 4 trái CBU ngay trên địa điểm Hầm chốt Xa Cam gây ra 4 tiếng nổ lớn, san bằng, tiêu diệt một vùng gần 1 cây số đường bán kính xung quanh..’ (Ngay sau đợt thả CBU, TĐ 6 Dù đã khởi phát cuộc tấn công nhổ chốt..) - Các hoạt động khác của KQ VNCH : Một số đơn vị khác của KQ VNCH cũng đã đóng góp vào Chiến thắng An lộc một cách ‘lặng lẽ’ nhưng không kém phần quan trọng : - Phi đoàn 716 với các phi tuần EC-47 Trắc giác vô tuyến (Airborne Radio Direction Finding=ARDF) giúp phát giác các cuộc chuyển quân của CSBV và xác định những vị trí của các đơn vị CQ. - Các đơn vị bốc rỡ và chất hàng lên các Phi cơ vận tải (Riggers). Các chuyên viên này (Việt Nam, Mỹ và Đài loan) đã phải làm việc liên tục những ‘ca’ kéo dài trên 20 giờ, tại một khu vực trống trải ở cạnh phía Đông của phi đạo Tân Sơn Nhất (Trong thời gian cao điểm thả dù tiếp tế cho An lộc, KQHK đã phải đưa đến Saigon 76 chuyên viên gắn dù thuộc ĐĐ 549th Quartermaster, ở Okinawa và sau đó còn tăng cường thêm một số chuyên viên từ Đài loan) Chiến thắng An lộc đã phải trả bằng ‘máu và nước mắt’ của những đơn vị Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt cách Dù, Thiết giáp..Địa phương quân Quân lực VNCH , quả cảm, quyết sống chết để tử thủ, giữ vững được An lộc, nhưng chiến thắng này đã cần phải có sự đóng góp tối quan trọng của Không quân Hoa Kỳ và Việt Nam qua những phi vụ yểm trợ chiến trường như B-52, Gunships..các hhu trục, trực thăng tiếp tế và tản thương, các phi cơ vận tải.. Trần Lý