Saturday, August 30, 2014

Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa

Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa


Mặt tiền tòa nhà hành chánh Viện Đại học Sài Gòn, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa
Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa là nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng.[1] Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và quy định "nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí", "nền giáo dục đại học được tự trị", và "những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn".[2] Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương.

Tổng quan

Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Cao Miên. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào ngày 17 tháng 4 năm 1945,[3] chương trình học của Việt Nam - còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn ban hành trong khoảng thời gian từ 20 tháng 4 đến 20 tháng 6 năm 1945 dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ nhất Cộng hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình.[4]

Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị.[5] Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trung học, và 101.454 sinh viên đại học; số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số.[4] Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chánh và ở các trường đại học cộng đồng).[6]

Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm, từ 1955 đến 1975, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển. Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia, và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam.[4]

Triết lý giáo dục

Một lớp tiểu học ở miền Nam vào năm 1961.

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản", "dân tộc", và "khai phóng" được chính thức hóa ở hội nghị này.[7][8] Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa (1967).

  1. Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.
  2. Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
  3. Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.[1]

Mục tiêu giáo dục

Số liệu giáo dục bậc tiểu học[9]
Niên học Số học sinh Số lớp học
1955 400.865 8.191
1957 717.198[10]
1959 1.115.000[11]
1960 1.230.000[10]
1963 1.450.679 30.123
1964 1.554.063[12]
1970 2.556.000 44.104

Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại?

  1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.
  2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
  3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.[1]

Những quy định trong hiến pháp

Điều 26, Hiến pháp năm 1956: "Quốc gia cố gắng cho mọi người dân một nền giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí. Mọi người dân có quyền theo đuổi học vấn. Những người có khả năng mà không có phương tiện riêng sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn. Quốc gia thừa nhận phụ huynh có quyền chọn trường cho con em, các đoàn thể và tư nhân có quyền mở trường theo điều kiện luật định. Quốc gia có thể công nhận các trường tư thục đại học và cao đẳng chuyên nghiệp hội đủ điều kiện luật định. Văn bằng do những trường ấy cấp phát có thể được Quốc gia thừa nhận."[13] Điều 10, Hiến pháp năm 1967: "1- Quốc gia công nhận quyền tự do giáo dục. 2- Nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí. 3- Nền giáo dục đại học được tự trị. 4- Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn. 5- Quốc gia khuyến khích và nâng đỡ các công dân trong việc nghiên cứu và sáng tác về khoa học, văn học và nghệ thuật." Điều 11 phát biểu: "1- Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản. 2- Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục."[2]

Giáo dục tiểu học và trung học

Tên gọi năm lớp bậc tiểu học
trước 1970 sau 1970
lớp năm lớp một
lớp tư lớp hai
lớp ba lớp ba
lớp nhì lớp tư
lớp nhất lớp năm
Tên các lớp bậc trung học đệ nhất cấp
lớp đệ thất lớp sáu
lớp đệ lục lớp bảy
lớp đệ ngũ lớp tám
lớp đệ tứ lớp chín
Tên các lớp trung học đệ nhị cấp
lớp đệ tam lớp mười
lớp đệ nhị lớp 11
lớp đệ nhất lớp 12

Giáo dục tiểu học

Bậc tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa bao gồm năm lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 (thời Đệ nhất Cộng hòa gọi là lớp Năm đến lớp Nhất). Theo quy định của hiến pháp, giáo dục tiểu học là giáo dục phổ cập (bắt buộc).[14] Từ thời Đệ nhất Cộng hòa đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học.[15] Mỗi năm học sinh phải thi để lên lớp. Ai thi trượt phải học "đúp", tức học lại lớp đó. Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác. Học sinh tiểu học chỉ học một buổi, sáu ngày mỗi tuần. Theo quy định, một ngày được chia ra 2 ca học; ca học buổi sáng và ca học buổi chiều. Vào đầu thập niên 1970, Việt Nam Cộng hòa có 2,5 triệu học sinh tiểu học, 82%[16] tổng số thiếu niên từ 6 đến 11 tuổi[17] theo học ở 5.208 trường tiểu học (chưa kể các cơ sở ở Phú Bổn, Vĩnh Long, và Sa Đéc).[18]

Tất cả trẻ em từ 6 tuổi đều được nhận vào lớp Một để bắt đầu bậc tiểu học. Phụ huynh có thể chọn lựa cho con em vào học miễn phí cho hết bậc tiểu học trong các trường công lập hay tốn học phí (tùy trường) tại các trường tiểu học tư thục.[19] Lớp 1 (trước năm 1967 gọi là lớp Năm) cấp tiểu học mỗi tuần học 25 giờ, trong đó 9,5 giờ môn quốc văn; 2 giờ bổn phận công dân và đức dục (còn gọi là lớp Công dân giáo dục).[20] Lớp 2 (trước năm 1967 gọi là lớp Tư), quốc văn giảm còn 8 tiếng nhưng thêm 2 giờ sử ký và địa lý. Lớp 3 trở lên thì ba môn quốc văn, công dân và sử địa chiếm 12-13 tiếng mỗi tuần.[21] Một năm học kéo dài chín tháng, nghỉ ba tháng . Trong năm học có khoảng 10 ngày nghỉ lễ (thông thường vào những ngày áp Tết).[22]

Tính đến đầu những năm 1970, Việt Nam Cộng hòa có hơn 550.000 học sinh trung học, tức 24%[16] tổng số thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18;[17] có 534 trường trung học (chưa kể các cơ sở ở Vĩnh LongSa Đéc).[18] Đến năm 1975 thì có khoảng 900.000 học sinh ở các trường trung học công lập. Các trường trung học công lập nổi tiếng thời đó có Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long, Lê Quý Đôn (Sài Gòn) tiền thân là Trường Chasseloup Laubat, Quốc Học (Huế), Trường Trung học Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ)... Các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.

Trung học đệ nhất cấp

Trung học đệ nhất cấp bao gồm năm lớp 6 đến lớp 9 (trước năm 1970 gọi là lớp đệ thất đến đệ tứ), tương đương trung học cơ sở hiện nay. Từ tiểu học phải thi vào trung học đệ nhất cấp. Đậu vào trường trung học công lập không dễ. Các trường trung học công lập hàng năm đều tổ chức tuyển sinh vào lớp Đệ thất (từ năm 1970 gọi là lớp 6), kỳ thi có tính chọn lọc khá cao (tỷ số chung toàn quốc vào trường công khoảng 62%);[23] tại một số trường danh tiếng tỷ lệ trúng tuyển thấp hơn 10%. Những học sinh không vào được trường công thì có thể nhập học trường tư thục nhưng phải trả học phí. Một năm học được chia thành hai "lục cá nguyệt" (hay "học kỳ"). Kể từ lớp 6, học sinh bắt đầu phải học ngoại ngữ, thường là tiếng Anh hay tiếng Pháp. Môn Công dân giáo dục tiếp tục với lượng 2 giờ mỗi tuần.[24] Từ năm 1966 trở đi, môn võ Vovinam (tức Việt Võ đạo) cũng được đưa vào giảng dạy ở một số trường.[25] Học xong năm lớp 9 thì thi bằng Trung học đệ nhất cấp. Kỳ thi này thoạt tiên có hai phần: viết và vấn đáp. Năm 1959 bỏ phần vấn đáp[26] rồi đến niên học 1966-67 thì Bộ Quốc gia Giáo dục bãi bỏ hẳn kỳ thi Trung học đệ nhất cấp.[27]

Số liệu giáo dục bậc trung học[9]
Niên học Số học sinh Số lớp học
1955 51.465 890
1959 132.529[11]
1960 160.500[10]
1963 264.866 4.831
1964 291.965[12]
1967-68 471.000[16]
1968-69 554.000[16]
1969-70 632.000[16] 9.069
Trung học đệ nhị cấp

Trung học đệ nhị cấp là các lớp 10, 11 và 12, trước 1971 gọi là đệ tam, đệ nhị và đệ nhất; tương đương trung học phổ thông hiện nay. Muốn vào thì phải đậu được bằng Trung học đệ nhất cấp, tức bằng Trung học cơ sở. Vào đệ nhị cấp, học sinh phải chọn học theo một trong bốn ban như dự bị vào đại học.[28] Bốn ban thường gọi A, B, C, D theo thứ tự là khoa học thực nghiệm hay còn gọi là ban vạn vật; ban toán; ban văn chương; và ban văn chương cổ ngữ, thường là Hán văn. Ngoài ra học sinh cũng bắt đầu học thêm một ngoại ngữ thứ hai.[29] Vào năm lớp 11 thì học sinh phải thi Tú tài I rồi thi Tú tài II năm lớp 12. Thể lệ này đến năm học 1972-1973 thì bỏ, chỉ thi một đợt tú tài phổ thông. Thí sinh phải thi tất cả các môn học được giảng dạy (trừ môn Thể dục), đề thi gồm các nội dung đã học, không có giới hạn hoặc bỏ bớt. Hình thức thi kể từ năm 1974 cũng bỏ lối viết bài luận (essay) mà theo lối thi trắc nghiệm có tính cách khách quan hơn.[30] Mỗi năm có hai đợt thi Tú tài tổ chức vào khoảng tháng 6 và tháng 8.[31] Tỷ lệ đậu Tú tài I (15-30%) và Tú tài II (30-45%), tại các trường công lập nhìn chung tỷ lệ đậu cao hơn trường tư thục do phần lớn học sinh đã được sàng lọc qua kỳ thi vào lớp 6 rồi.[32] Do tỷ lệ đậu kỳ thi Tú tài khá thấp nên vào được đại học là một chuyện khó. Thí sinh đậu được xếp thành: Hạng "tối ưu" hay "ưu ban khen" (18/20 điểm trở lên), thí sinh đậu Tú tài II hạng tối ưu thường hiếm, mỗi năm toàn Việt Nam Cộng hòa chỉ một vài em đậu hạng này, có năm không có; hạng "ưu" (16/20 điểm trở lên); "bình" (14/20); "bình thứ" (12/20), và "thứ" (10/20).[33] Một số trường trung học chia theo phái tính như ở Sài Gòn thì có trường Pétrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Trường Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) và các trường Quốc học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Cường Để (Qui Nhơn), Võ Tánh (Nha Trang), Trần Hưng Đạo (Đà Lạt), Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Phan Thanh Giản (Cần Thơ) dành cho nam sinh. Các trường Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trường Nữ Trung học Đồng Khánh (Huế), Trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Trường Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ) chỉ dành cho nữ sinh. Học sinh trung học lúc bấy giờ phải mặc đồng phục: nữ sinh thì áo dài trắng, quần trắng hay đen; còn nam sinh thì mặc áo sơ mi trắng, quần màu xanh dương.[34]

Trung học tổng hợp

Chương trình giáo dục trung học tổng hợp (tiếng Anh: comprehensive high school) là một chương trình giáo dục thực tiễn phát sinh từ quan niệm giáo dục của triết gia John Dewey, sau này được nhà giáo dục người Mỹ là James B. Connant hệ thống hóa và đem áp dụng cho các trường trung học Hoa Kỳ. Giáo dục trung học tổng hợp chú trọng đến khía cạnh thực tiễn và hướng nghiệp, đặt nặng vào các môn tư vấn, kinh tế gia đình, kinh doanh, công-kỹ nghệ, v.v... nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức thực tiễn, giúp họ có thể mưu sinh sau khi rời trường trung học. Ở từng địa phương, phụ huynh học sinh và các nhà giáo có thể đề nghị những môn học đặc thù khả dĩ có thể đem ra ứng dụng ở nơi mình sinh sống.[35] Thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam chính phủ cho thử nghiệm chương trình trung học tổng hợp, nhập đệ nhất và đệ nhị cấp lại với nhau. Học trình này được áp dụng đầu tiên tại Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, sau đó mở rộng cho một số trường như Nguyễn An Ninh (cho nam sinh; 93 đường Trần Nhân Tông, Quận 10) và Sương Nguyệt Anh (cho nữ sinh; góc đường Bà Hạt và Vĩnh Viễn, gần chùa Ấn Quang) ở Sài Gòn, và Chưởng binh LễLong Xuyên.[36]

Trung học kỹ thuật

Các trường trung học kỹ thuật nằm trong hệ thống giáo dục kỹ thuật, kết hợp việc dạy nghề với giáo dục phổ thông. Các học sinh trúng tuyển vào trung học kỹ thuật thường được cấp học bổng toàn phần hay bán phần. Mỗi tuần học 42 giờ; hai môn ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anhtiếng Pháp.[37] Các trường trung học kỹ thuật có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố; ví dụ, công lập thì có Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (thành lập năm 1956; tiền thân là Trường Cơ khí Á châu thành lập năm 1906Sài Gòn; nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng),[38], Trường Trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Trường Trung học Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ; tư thục thì có Trường Trung học Kỹ thuật Don Bosco (do các tu sĩ Dòng Don Bosco thành lập năm 1956 ở Gia Định; nay là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh).[37][39]

Các trường tư thục và Quốc gia Nghĩa tử

Các trường tư thục và Bồ đề

Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống trường tư thục. Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học.[12] Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học.[40] con số này Tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học.[41] Các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Bốn trường này nằm dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo. Trường Bác ái (Collège Fraternité) ở Chợ Quán với đa số học sinh là người Việt gốc Hoa cũng là một tư thục có tiếng do các thương hội người Hoa bảo trợ.[42] Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhấthệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ đề ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466. Ngoài ra còn có một số trường do chính phủ Pháp tài trợ như Marie-Curie, Colette, và Saint-Exupéry.[43] Kể từ năm 1956, tất cả các trường học tại Việt Nam, bất kể trường tư hay trường do ngoại quốc tài trợ, đều phải dạy một số giờ nhất định cho các môn quốc văn và lịch sử Việt Nam.[44] Chương trình học chính trong các trường tư vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, dù có thể thêm một số giờ hoặc môn kiến thức thêm. Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tổng cộng có 1.087 trường tư thục ở miền Nam bị giải thể và trở thành trường công (hầu hết mang tên mới).[45]

Các trường Quốc gia Nghĩa tử

Ngoài hệ thống các trường công lập và tư thục kể trên, Việt Nam Cộng hòa còn có hệ thống thứ ba là các trường Quốc gia Nghĩa tử. Tuy đây là trường công lập nhưng không đón nhận học sinh bình thường mà chỉ dành riêng cho các con em của tử sĩ hoặc thương phế binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như là một đặc ân của chính phủ giúp đỡ không chỉ phương tiện học hành mà cả việc nuôi dưỡng. Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ năm 1963 ở Sài Gòn, sau khai triển thêm ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, và Biên Hòa. Tổng cộng có 7 cơ sở với hơn 10.000 học sinh. Loại trường này do Bộ Cựu Chiến binh quản lý chứ không phải Bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng vẫn dùng giáo trình của Bộ Quốc gia Giáo dục. Chủ đích của các trường Quốc gia Nghĩa tử là giáo dục phổ thông và hướng nghiệp cho các học sinh chứ không được huấn luyện quân sự.[46][47] Vì vậy trường Quốc gia Nghĩa tử khác trường thiếu sinh quân. Sau năm 1975, các trường Quốc gia Nghĩa tử cũng bị giải thể.

Giáo dục đại học

Tổ chức quản trị

Hệ thống quản trị giáo dục

Bản đồ hành chính với địa giới các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa và bốn khu học chánh (cũng tương ứng với bốn vùng chiến thuật)

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục có Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục phụ trách giáo dục tiểu học và trung học; đứng đầu là một Tổng Giám đốc. Tổng Nha này (văn phòng đặt tại số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn) bao gồm Nha Trung học, Nha Tiểu học, Nha Tư thục, Sở Khảo thí, và Ban Thanh tra và Soạn Đề thi. Ở địa phương, mỗi tỉnh có một Ty Tiểu học để quản lý tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Nhưng các trường trung học ở Sài Gòn và ở các tỉnh lỵ và quận lỵ đều làm việc thẳng với Nha Trung học ở Tổng Nha. Khi số trường trung học gia tăng quá nhiều thi Nha Trung học hoạt động không còn hữu hiệu nữa. Ở tại các tỉnh, hiệu trưởng trường trung học tỉnh lỵ kiêm luôn việc kiểm soát các trường bán côngtư thục khiến vị trí công việc này rất nặng nề.[94] Năm 1958 lập Ban Tu thư để soạn sách giáo khoa, phần lớn in ở ngoại quốc với viện trợ của Mỹ.[95]

Tháng 6 năm 1971, dưới thời Đệ nhị Cộng hòa, Bộ Quốc gia Giáo dục mở rộng thành Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên (VH-GD-TN). Cơ quan đầu não của Bộ bào gồm: Một Tổng trưởng (ngày nay gọi là Bộ trưởng), một Thứ trưởng, và bốn Phụ tá đặc biệt (ngang hàng thứ trưởng) đặc trách Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, và Kế hoạch. Điều hành văn phòng cơ quan đầu não có Đổng lý văn phòng (chức vụ này bị bãi bỏ từ năm 1974), Chánh văn phòng của Tổng trưởng, Chánh văn phòng của Thứ trưởng, Bí thư của Tổng trưởng, Bí thư của Thứ trưởng, Tham chánh Văn phòng của Tổng trưởng, các Công cán Ủy viên của Tổng trưởng, Thứ trưởng, Phụ tá đặc biệt, và một số Thanh tra đặc biệt tại Bộ.[94]

Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Bộ trông coi khối điều hành ở trung ương với 13 nha, 1 sở, và 1 trung tâm: (1) Nha Sưu tầm và Nghiên cứu Giáo dục, (2) Nha Kế hoạch và Pháp chế, (3) Nha Học chánh (tức là Quản trị Giáo dục), (4) Nha Sinh hoạt Học đường, (5) Nha Sinh hoạt Văn hóa, (6) Nha Sinh hoạt Thanh niên, (7) Nha Công tác Quốc tế, (8) Nha Sư phạm và Tu nghiệp, (9) Nha Khảo thí, (10) Nha Y tế Học đường, (11) Nha Nhân viên, (12) Nha Tài chính, (13) Nha Tạo tác (tức là Kiến thiết và Hậu cần), (14) Sở Văn thư, và (15) Trung tâm Học liệu. Thanh Tra Đoàn được lập ở trung ương, bên cạnh khối điều hành của Tổng thư ký. Tổng Nha Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục được giải tán và tất cả các công việc thuộc Tổng Nha được đưa về Bộ và nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Phụ tá đặc biệt đặc trách Trung Tiểu học và Bình Dân Giáo dục.[94]

Vào năm 1972, Bộ VH-GD-TN thiết lập 4 Khu Học chánh để đại diện cho Bộ ở 4 vùng chiến thuật (quân khu) để đôn đốc, kiểm soát và giúp đỡ công việc văn hóa, giáo dục, và thanh niên ở các tỉnh thuộc phạm vi quân khu của mình. Đây là một cơ quan hoạt động rất hữu hiệu. Tuy nhiên vì ngân sách eo hẹp và vì nhu cầu cải tổ công vụ trên toàn quốc nên Khu Học chánh bị giải tán sau hơn một năm hoạt động. Tại mỗi tỉnh, Bộ VH-GD-TN cho thiết lập một Sở Học chánh để phụ trách tất cả các công việc liên quan đến văn hóa và giáo dục trong tỉnh; Ty Tiểu học được sáp nhập vào Sở Học chánh. Bộ VH-GD-TN mong muốn rằng cơ quan học chánh ở mỗi tỉnh phải có địa vị quan trọng và càng ít bị áp lực của địa phương càng tốt cho nên đã nâng cơ quan này lên thành Sở. Tuy vậy, do tình hình đất nước, điều này không thể thực hiện được, và công cuộc cải tổ công vụ toàn quốc đã đưa đến quyết định chuyển Sở Học chánh thành Ty Văn hóa Giáo dục tại địa phương từ năm 1974. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa lúc này có 50 Ty Văn hóa Giáo dục đặt tại 48 tỉnh lỵ và 2 thị xã.[94]

Về mặt ngân sách vào thời điểm năm 1961 thời Đệ nhất Cộng hòa với ngân sách quốc gia là 15.276 triệu đồng, chính phủ chi 811,4 triệu cho ngân sách giáo dục; chính quyền địa phương góp 563,3 triệu đồng tính tổng cộng là 8,99% ngân sách quốc gia.[71]

Bộ Quốc gia Giáo dục còn điều hành Viện Khảo cổ và quản lý các viện bảo tàng quốc gia như Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn, Viện Bảo tàng HuếViện Bảo tàng Chàm.

Giáo dục là của những người làm giáo dục

Việt Nam, ngay từ thời xa xưa, giáo dục là của những người làm giáo dục. Các vương triều của Việt Nam thường chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo đó là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục. Sang thời Pháp thuộc, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành và soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn, dù là người Pháp hay người Việt.[96]

Đặc điểm trên được tôn trọng trong suốt thời Quốc gia Việt Nam của Cựu hoàng Bảo Đại và đặc biệt là thời Việt Nam Cộng hòa. Các chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng các chức vụ khác trong Bộ Giáo dục đều là những nhà giáo chuyên nghiệp đảm trách (ngoài trừ một số chức vụ có tính chất chính trị như đổng lý văn phòng, bí thư, v.v...). Họ là những người am hiểu công việc, có kinh nghiệm, giàu tâm huyết, và xem chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới quan trọng. Trong các cơ quan lập pháp, những người đứng đầu các ủy ban hay tiểu ban giáo dục của Thượng viện và Hạ viện (của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa) đều là những nghị sĩ quốc hội xuất thân từ nhà giáo. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường.[96]

Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: Nền giáo dục đại học được tự trị.[2] Ở miền Nam trước 1975 không có "Bộ Đại học" cũng không có cơ quan chủ quản kiểu như Bộ Y tế quản lý các trường đại học Y-Dược. Trong ban lãnh đạo của Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học. Công việc của vị này chủ yếu là lo về chính sách chung vì các viện đại họccơ quan ngoại vi đối với Bộ ở trung ương. Về học vụ và điều hành, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa đại học) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai.[51] Các hiệu trưởng hay khoa trưởng của các trường đại học hay phân khoa đại học khong do Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm mà do các giáo sư của Hội đồng Khoa bầu lên.[97]

Về mặt tài chính, tuy các viện đại học công lập có ngân sách riêng nhưng đây là một phần của ngân sách chung thuộc ngân sách quốc gia và phải được Quốc hội chấp thuận. Tất cả các chi tiêu phải qua thủ tục "chiếu hội ngân sách" ("chiếu hội"=kiểm nhận) do Bộ Tài chính kiểm soát và thực hiện. Ngoài ra, giảng viên và nhân viên là công chức quốc gia. Việc tuyển mới, chuyển ngạch, bổ nhiệm, thăng chức, v.v... phải qua thủ tục "chiếu hội công vụ" do Phủ Tổng ủy Công vụ thực hiện để kiểm soát. Trong thực tế, thủ tục này được thực hiện một cách khá dễ dàng và nhanh chóng. Như vậy, về mặt tài chính các viện đại học công lập ở miền Nam không được nhiều quyền tự trị như các viện đại học ở Hoa Kỳ. Lý do của việc này là do các viện đại học này không thu học phí của sinh viên, không có nguồn thu riêng.[51]

Các kỳ đại hội giáo dục quốc gia

  • Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958. Triết lý giáo dục nhân bản - dân tộc - khai phóng được chính thức hóa ở hội nghị này.[98]
  • Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II: tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1964. Đại hội này tái xác nhận ba nguyên tắc căn bản nhân bản - dân tộc - khai phóng và tổ chức lại hệ thống học đường nhấn mạnh đến sự học tập liên tục từ lớp 1 đến lớp 12.[98]

Một số nhà lãnh đạo giáo dục tiêu biểu

Trong suốt thời gian 20 năm tồn tại, các vị tổng trưởng (tức bộ trưởng) và thứ trưởng giáo dục của Việt Nam Cộng hòa đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. Sau đây là vài nhà lãnh đạo tiêu biểu:[99]

  • Phan Huy Quát: sinh năm 1911, mất năm 1979; Tổng trưởng Giáo dục Quốc gia Việt Nam 1949. Ông mất trong tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  • Nguyễn Thành Giung: sinh năm 1894 tại Sa Đéc; tiến sĩ vạn vật học (Viện Đại học Khoa học Marseille); Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục 1952-1953 thời Quốc gia Việt Nam, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đại học Hà Nội.[100]
  • Trần Hữu Thế: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines. Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
  • Nguyễn Văn Trường: sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhấtĐệ nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966.
  • Trần Ngọc Ninh: sinh năm 1923 tại Hà Nội; bác sĩ giải phẫu và giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, giáo sư Văn minh Đại cương và Văn hóa Việt Nam tại Viện Đại học Vạn Hạnh; Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ nhấtĐệ nhị Cộng hòa.[101]
  • Lê Minh Trí: bác sĩ y khoa tai-mũi-họng, giáo sư Trường Đại học Y khoa Sài Gòn,[102] làm Tổng trưởng Giáo dục bị ám sát bằng lựu đạn năm 1969.[103]
  • Nguyễn Lưu Viên: sinh năm 1919; bác sĩ, từng làm việc tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Viện Pasteur Sài Gòn; từ 1969 đến 1971 làm Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục rồi Phó thủ tướng kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam Cộng hòa ở Hội nghị La Celle Saint Cloud trong chính phủ Trần Thiện Khiêm.
  • Ngô Khắc Tĩnh: sinh năm 1922 tại Phan Rang, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; dược sĩ (tốt nghiệp ở Pháp); từ năm 1971 đến 1975 làm Tổng trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên; từ năm 1975 đến 1988 bị tù cải tạo dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  • Đỗ Bá Khê: sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 2005 tại Hoa Kỳ; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Nam California); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa. Ông là người đã thiết lập hệ thống các trường đại học cộng đồng ở miền Nam Việt Nam và được xem là "cha đẻ của các trường đại học cộng đồng Việt Nam". Ông còn thiết lập Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức vào năm 1974 dựa theo mô hình của các viện đại học bách khoa ở California (Hoa Kỳ) và làm việc với vai trò viện trưởng sáng lập của viện đại học này.
  • Nguyễn Thanh Liêm: sinh năm 1934 tại Mỹ Tho; tiến sĩ giáo dục (Viện Đại học Iowa State, Hoa Kỳ); Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên thời Đệ nhị Cộng hòa.
  • Các Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục: Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Quang Trình

Trợ giúp của quốc tế

Cuốn tập đọc song ngữ Việt-Kơho do Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1959 với sự hợp tác của Phái bộ Kinh tế Hoa Kỳ

Những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam Cộng hòa nhận được sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới. Một vài ví dụ có thể kể đến: UNESCO giúp thiết lập một hệ thống các trường tiểu học cộng đồng. UNDP giúp đỡ trang thiết bị cho Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. New Zealand xây dựng các tòa nhà cho Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Pháp cung cấp nhiều giáo sư, trang thiết bị, khoản tài trợ giúp phát triển nhân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học hiện đại. Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) giúp xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho một trường trung học kỹ thuật, ngoài ra còn hỗ trợ Trường Đại học Y khoa của Viện Đại học Huế, v.v...[104]

Phần lớn sự trợ giúp đến từ Hoa Kỳ. Trong đó có sự giúp đỡ trong việc ấn loát sách giáo khoa, xây dựng Trường Đại học Sư phạm của Viện Đại học Sài Gòn và các trường sư phạm khác ở các tỉnh, 11.000 phòng học trong các ấp chiến lược, 18 trường trung học kỹ thuật, một trung tâm y khoa cho Viện Đại học Sài Gòn, một trường sư phạm và cùng với nó là một trường trung học kiểu mẫu, một trường sư phạm kỹ thuật, một trường đại học nông nghiệp, một trường đại học kỹ thuật, một trung tâm hành chính cho viện đại học, v.v... Tất cả các chương trình này được thực hiện thông qua các nhóm chuyên gia gồm các giáo sư, nhà quản trị, và sinh viên của các viện đại học Hoa Kỳ.[104]

Chữ viết

Vào thời đó, chính tả tiếng Việt khác với bây giờ ít nhiều. Điểm khác biệt gồm có việc dùng gạch nối "-" giữa các từ trong một từ kép, ví dụ như "ngân-hàng", "Việt-Nam". Cách viết tên riêng thì có khi viết thành "Nguyễn-văn-Mỗ" thay vì viết hoa mỗi chữ (Nguyễn Văn Mỗ). Những khác biệt này không phải do chính quyền tạo ra hay chỉ mới xuất hiện vào thời buổi đó mà đúng ra là tiếp nối cách viết từ thời tiền chiến.

Lời đánh giá về nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa trên trang mạng chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định: "Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Mỹ-ngụy đã cố sử dụng giáo dục làm công cụ xâm lược Việt Nam. Chúng đã gieo rắc trong học sinh, sinh viên tư tưởng hoài nghi, mơ hồ, tư tưởng an phận, sợ Mỹ, phục Mỹ. Chúng phát triển trong học sinh, sinh viên lối sống thực dụng, quay lưng với hiện tại, chấp nhận cuộc sống vị kỷ ương hèn... Mặt khác, Mỹ-ngụy tìm mọi cách tiêu diệt nền giáo dục cách mạng, tìm cách ngăn chặn, loại trừ những mầm mống cách mạng trong nhà trường."[105][106] Trong một giáo án về Lịch sử Giáo dục huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị: "Giáo dục Mỹ-ngụy tuy có phát triển về số lượng và có những cải cách nhất định, nhưng không thoát khỏi mục đích nô dịch, thống trị."[107]

Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 (tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì "Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra." Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam.[108]

Lời chứng và đánh giá của ông Mai Thái Lĩnh, cựu sinh viên Viện Đại học Đà Lạt,[109] nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: "Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc [...] Chế độ Việt Nam Cộng hòa lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục "xã hội chủ nghĩa" (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. Chính là do thừa hưởng nền giáo dục đó của miền Nam mà tôi có được tính độc lập trong tư duy, không bao giờ chịu nô lệ về tư tưởng..."[110]

Đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê: "Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dậy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu."[111]

http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a#cite_note-111

http://hyvong90.blogspot.com/2013/12/to-chuc-quan-tri.html

http://hyvong90.blogspot.com/2013/12/to-chuc-quan-tri.html



http://hyvong90.blogspot.com/2013/12/nen-giao-duc-cua-che-o-viet-nam-cong.html

No comments:

Post a Comment

Số liệu giáo dục bậc đại học
Niên học Số sinh viên
1959 7.500[11]
1960-61 11.708[48]
1962 16.835[12]
1964 20.834[12]
1970 50.000[16]